Vì sao Đắk Lắk liên tục bị mất rừng?
Rừng tự nhiên ở Đắk Lắk nhiều năm liên tiếp bị lâm tặc tàn phá, xâm phạm. Các chủ rừng thì bất lực, đùn đẩy trách nhiệm. Lãnh đạo ngành Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh này nhận định, cơ chế chính sách về quản lý bảo vệ rừng hiện nay của trung ương chưa phù hợp với đặc thù riêng của địa phương…
Xử lý kỷ luật một số ít người
Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng 515.000ha đất có rừng, phần lớn là rừng tự nhiên nhưng độ che phủ chỉ hơn 38%. Trong năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 716 vụ phá rừng, tịch thu gần 740m3 gỗ, hơn 500 phương tiện các loại, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng.
Năm 2020 tỉnh phát hiện, lập hồ sơ xử lý 111 vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật. Riêng Tết Nguyên đán Tân Sửu, có đến 3 vụ phá rừng nghiêm trọng.
Trước nạn lâm tặc hoành hành, năm 2020, Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của 4 công ty (Cty) lâm nghiệp: Công ty (Cty) Cao su & Lâm nghiệp Phước Hoà Đắk Lắk; Cty Lâm nghiệp Ea H’Leo; Cty Lâm nghiệp Krông Bông và Cty Lâm nghiệp M’Đrắk). Cơ quan chức năng đã tiến hành kỷ luật 7 công chức kiểm lâm Bên cạnh đó, sở còn đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các Cty lâm nghiệp để xảy ra vi phạm trên lâm phần quản lý và xử lý kỷ luật các công chức kiểm lâm vi phạm.
Nguồn tin từ Ban Nội chính (Tỉnh uỷ Đắk Lắk) cho hay, Ban Chỉ đạo 1287 vừa yêu cầu Ban Thường vụ Huyện uỷ Ea H’Leo và Ea Súp tiếp tục cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại khu vực đất thu hồi của Cty TNHH Hoàng Nguyễn (huyện Ea H’Leo) và Cty TNHH Thái Bình Phát (huyện Ea Súp).
Chỉ đạo các cấp, ngành của huyện xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất, nếu có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra xử lý theo quy định. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 1287 còn yêu cầu Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xác minh, điều tra xử lý các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn; phối hợp với các ngành của tỉnh trong việc truy cứu trách nhiệm của các chủ rừng khi để xảy ra mất rừng.
Cơ chế chính sách không còn phù hợp
Suốt hơn 1 thập kỷ qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk năm nào cũng nhắc đi nhắc lại điệp khúc “rừng vàng, biển bạc” và phải giữ rừng bằng mọi giá. Nhưng rừng tự nhiên ở thủ phủ Tây Nguyên vẫn đang “chảy máu”, rất khó phục hồi. Khi rừng bị tàn phá, mạch nước ngầm cạn kiệt, hệ động thực vật quý hiếm đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk – nhận định: “Câu chuyện về cơ chế chính sách, nguồn lực để quản lý, bảo vệ rừng thì tỉnh đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị nhưng trung ương xử lý rất chậm, thậm chí không có ý kiến gì về điều này; hoặc ban hành các chính sách không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Ví dụ hiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ đối với các công ty nông, lâm nghiệp ở mức 300.000 đồng/ha/năm đối với rừng giao khoán; còn nếu công ty lâm nghiệp quản lý bảo vệ rừng chung chỉ được 150.000 đồng/năm/ha không bằng 1/5 so với yêu cầu thực tế, nguồn lực quá ít. Nếu bố trí kinh phí 1 triệu đồng/ha/năm sẽ khác ngay, có tiền thuê thêm người quản lý bảo vệ rừng, chế độ chính sách người lao động được nâng lên”.
“Ngay cả các dự án ổn định dân di cư tự do dù đã nói bao nhiêu năm nay nhưng thực tế các bộ, ngành quan tâm rất hạn chế. Có mười mấy dự án cần đầu tư để sớm định canh, định cư cho người dân nhưng hàng chục năm nay vẫn còn dang dở, kinh phí đầu tư nhỏ giọt. Tôi cho rằng cơ chế chính sách đã không còn phù hợp, bất cập. Áp lực dân di cư tự do tác động vào rừng rất lớn, cả Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc đã từng cho rằng phải tăng lên 1 triệu đồng/ha/năm. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thấy mức hỗ trợ như vậy là vô lý và sẽ kiến nghị nhưng rút cuộc cũng rơi vào im lặng” – ông Dương nói.
Cũng theo người đứng đầu Sở NNPTNT Đắk Lắk: Tây Nguyên là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Nơi đây còn có hệ sinh thái, thảm thực vật, động vật quý hiếm có giá trị cao. Vì vậy, Nhà nước phải nhìn nhận đúng mức để có sự quan tâm đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên bằng các cơ chế chính sách cụ thể.
Đối với diện tích rừng tự nhiên chưa đưa vào sử dụng thì phải có sự đầu tư đúng mức để bảo vệ trước sự dòm ngó của lâm tặc. Các chủ rừng cũng cần được đầu tư và quy định rõ ràng trách nhiệm bằng các thoả thuận. Có cơ chế, trao quyền cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, với quyền hạn nhất định, được sử dụng được vũ khí “nóng” để sẵn sàng ứng phó với lâm tặc. Hàng chục năm nay, áp lực bảo vệ rừng ở tỉnh Đắk Lắk là rất lớn.
Có nhiều vùng người dân, đồng bào tại chỗ di cư tự do có hoàn cảnh khó khăn đã đi vào rừng khai thác gỗ hoặc lấn chiếm lấy đất sản xuất. Vì vậy, cần có giải pháp để bà con có sinh kế làm ăn hoặc nhận khoán bảo vệ rừng với đồng lương xứng đáng.
Bảo Trung (Lao Động)