Gửi cha mẹ vào đâu?

 Gửi cha mẹ vào đâu?

Cả gia đình tôi từng tranh cãi về việc gửi ông ngoại vào viện dưỡng lão hay để ở nhà.

Đã gần 90 tuổi, ông ngoại tôi dần sức yếu, thị lực suy giảm, khả năng tự chăm lo cho mình cũng đi xuống. Bà ngoại đã mất, con cái đi làm, các cháu vẫn còn nhỏ nên ông tôi thường lủi thủi một mình giữa bốn bức tường vắng lặng, ngày ngày gặm nhấm cô đơn.

Bố mẹ tôi đề xuất phương án gửi ông vào viện dưỡng lão cho đỡ buồn. Trong môi trường cộng đồng vui vẻ, ông sẽ có bầu có bạn. Nhưng ông tuyên bố: ”thà chết tại nhà còn hơn vào viện, sống như trong tù”.

Cha mẹ tôi tôn trọng mong muốn của ông nên thôi thúc giục, thay vào đó họ thuê một cô giúp việc. Song phương án này cũng không ít phiền toái vì tìm một người vừa có tâm vừa hợp với người già chẳng dễ. Vả lại, cô giúp việc chỉ làm theo ca nên ông vẫn thường xuyên một mình.

Một ngày, ông vấp ngã trong phòng tắm và gãy xương. Sau tai nạn đó, ông không bao giờ hồi phục hoàn toàn, ngày một suy sụp và qua đời mấy năm sau đó.

Khi viết bài báo này, tôi ngẫm lại chuyện về ông và gọi điện cho mẹ ở Serbia, hỏi ý kiến bà về viện dưỡng lão. ”Đó là xu thế tất yếu ở nhiều nước”, mẹ nói, ”nhưng bất chấp tất cả, mẹ cũng không thực sự muốn dành những ngày cuối đời ở viện dưỡng lão, giữa bốn bức tường xa lạ”.

Người cao tuổi hiện chiếm 10% dân số cả nước và tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Người cao tuổi thuộc nhóm dễ tổn thương trong xã hội. Theo báo cáo của Bộ Y tế, phần lớn người già ở Việt Nam có cuộc sống khó khăn, thu nhập không ổn định, sống phụ thuộc vào con cháu. Chưa đầy 30% trong số họ có lương hưu hay trợ cấp.

Theo JICA và Ngân hàng Thế giới, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia trong khu vực. Hoạch định chính sách, phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi đã đến lúc là ưu tiên quan trọng của quốc gia.

Tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân tố Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, từ 7% lên 14% – ngưỡng để một quốc gia được coi là có dân số già – trong khoảng 17 năm tới. Việt Nam có thể là quốc gia có dân số già vào năm 2035.

Tốc độ già hóa dân số cao sẽ tác động nhiều về kinh tế, xã hội và tài chính. Ngay bây giờ, Việt Nam cần kịch bản cho một xã hội già bằng phát triển hệ thống chăm sóc y tế – xã hội toàn diện và mô hình bền vững về tài chính cho người cao tuổi, theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione.

Tương tự nhiều quốc gia, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay thường do các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ, đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi cấu trúc gia đình thay đổi và nhu cầu của người cao tuổi phức tạp hơn, việc chăm sóc họ sẽ phải vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình.

Một mô hình chăm sóc người cao tuổi mới chỉ có được nếu Việt Nam khắc phục những tồn tại mang tính hệ thống như sự hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính đang còn yếu.

Tôi còn thấy một rào cản tâm lý khác. Theo quan niệm ”trẻ cậy cha, già cậy con”, gửi cha mẹ tới trung tâm dưỡng lão đồng nghĩa với việc rũ bỏ trách nhiệm của con cái, nhiều người coi là hành vi bất hiếu. Bản thân nhiều người lớn tuổi cũng muốn sống cùng con cháu, ở nơi chôn nhau cắt rốn chứ không sẵn sàng sống cuối đời ở một nơi lạ lẫm, phụ thuộc vào những người lạ mặt.

Tuy nhiên, khoan vội phán xét, lên án những người gửi cha mẹ tới viện dưỡng lão, bởi có thể ta chưa biết câu chuyện riêng của họ. Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi, kinh tế ngày càng cạnh tranh, con cái phải làm ngày càng nhiều giờ, các cháu có xu hướng học xa nhà, nhiều người không thể chăm sóc đầy đủ cho cha mẹ. Kết quả là người già có thể buồn chán, cô đơn tại nhà, thậm chí khó hòa hợp với người thân. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn nếu họ yếu sức đến nỗi không thể tự lập trong sinh hoạt hay sa sút trí nhớ.

Trong khi đó, chất lượng các viện dưỡng lão đang được cải thiện đáng kể. Chúng không thực sự đáng sợ hay buồn tẻ như ta tưởng. Chúng được thiết kế để phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe và tinh thần cho họ. Tôi tham khảo một số trường hợp, nhiều cụ tỏ ra chần chừ, nghi ngờ về ý tưởng vào viện dưỡng lão, nhưng rồi lại thấy thích thú khi hòa nhập môi trường mới. Mức chi phí tại các viện dao động từ 7 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, không nằm ngoài tầm tay của nhiều gia đình Việt.

Nhiều quốc gia phát triển tổ chức rất tốt những quỹ hỗ trợ tài chính để công dân có một tuổi già yên tâm. Không chỉ chính phủ, mỗi người trong chúng ta cũng phải nghĩ xa nhìn rộng cho tuổi già của mình, có quỹ tương lai cho mình thay vì trông chờ ai khác.

Năm nay, mẹ tôi đã 70 tuổi rồi. Và tôi cũng bắt đầu nghĩ đến tuổi già của chính mình, xem xét phương án dự phòng này kia. Tôi đã đầu tư vào tuổi trẻ của mình rồi, vậy việc tiếp theo là đầu tư vào tuổi già bao nhiêu?

Marko Nikolic (VNExpress)

HongLien

Related post