Nguyên nhân của cãi nhau là gì?
Mình đã từng chứng kiến các cuộc cãi nhau từ trong nhà, ra ngoài đường phố, đến công sở, ngoài chợ, trạm xe, nhà ga, quán ăn, khu vui chơi giải trí… Ngay cả trường học, bệnh viện và thậm chí cho đến chùa chiềng, nhà thờ hay cung miễu. Có khi các cuộc cãi nhau có sự tham gia hơn hai người.
Như vậy, vấn đề đặt ra là tại sao họ lại cãi nhau?
Có nhiều nguyên nhân cãi nhau, chẳng hạn như từ việc xung đột hay mâu thuẫn lợi ích; từ khó khăn, tù túng về kinh tế; từ nhậu nhẹt làm cho tính khí thay đổi; từ thời tiết nóng bức cũng làm tăng các cuộc cãi nhau; từ không hiểu nhau và đồng cảm với nhau; từ bất đồng ngôn ngữ, có những cách nói trông ra thì rất bình thường với người nói, nhưng làm tổn thương người nghe; từ góc nhìn vấn đề khác nhau; từ cái tôi của mỗi người quá lớn, mà lại làm việc với nhau.
Trong gia đình thì người chồng và người vợ có sự chênh lệch nhau: (1) về trình độ; (2) chênh lệch về thu nhập (ngày xưa, phụ nữ kiếm ít tiền, thì có thể sống phụ thuộc, bây giờ kiếm nhiều tiền và thậm chí còn hơn nam giới); (3) áp lực và căng thẳng trong công việc (theo sự giải thích của các nhà nhân chủng học là trong mỗi người nam hay nữ thì đều có hốc môn của nam lẫn nữ với tỷ lệ khác nhau. Khi đi làm thì người nam tiêu hao hốc môn nam, và người nữ tiêu hao hốc môn nam. Về đến nhà thì người nam còn lại hốc môn nữ và người nữ còn lại hốc môn nữ, cho nên đẩy nhau. Giống như khác dấu thì hút nhau, mà cùng dấu thì đẩy nhau); (4) chênh lệch về tuổi tác đưa đến sự khác nhau không nhẹ về tâm sinh lý; (5) số con càng nhiều thì ít cãi nhau so với không có con hay ít con. Đến đây thì bạn hỏi tại sao? Có lẽ là do họ ý thức là cãi nhau là ảnh hưởng đến con cái của họ, hay càng nhiều con, thì ràng buộc càng chặt chẽ, cãi với nhau để làm gì; Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác, chẳng hạn như tôn giáo, thu nhập tối thiểu của một gia đình, tính chất công việc và các nhân tố khác.
Nhà phật thấy từng đơn vị cấu thành, dù là nhỏ nhặt nhất, gây ra các cuộc cãi nhau và có gửi thông điệp đến chúng ta. Bên dưới, là câu chuyện về nguyên nhân các cuộc cãi nhau. Cái thâm thúy và sâu sắc nhất của nhà Phật là lấy vấn đề đơn giản nhất để trả lời cho vấn đề phức tạp, trả lời cho “vấn đề của mọi vấn đề” phát sinh vô tình mà do vô minh mà không hiểu ra.
——————————-
Trong một lần đi thuyết pháp, đức Phật bỗng dưng mang theo một mảnh vải rất đẹp được may khéo léo ở các viền xung quanh. Nhìn kỹ thì đó là một chiếc khăn tay. Điều này khiến cho các môn đồ vô cùng ngạc nhiên, vì bình thường, hầu như ngài chẳng bao giờ cầm theo thứ gì như vậy.
Thế rồi, trong khi thuyết pháp, đức Phật chầm chậm dùng tay tạo ra nhiều nút thắt trên chiếc khăn. Sau khi thắt được khoảng 4, 5 nút, ngài bỗng hỏi các môn đồ rằng: “Đây có còn là chiếc khăn tay như lúc ban đầu nữa hay không? Hay nó đã biến thành một thứ khác?”.
Các môn đồ nhìn nhau chưa hiểu ý của Ngài. Song một người trong số họ đã mạnh dạn trả lời đức Phật rằng: “Thưa đức Phật, đây vẫn là chiếc khăn, nhưng tình trạng của nó thì đã thay đổi rồi”.
Đức Phật gật đầu tỏ ý hài lòng trước câu trả lời, rồi lại hỏi tiếp: “Cái khăn thì vẫn là cái khăn mà thôi. Nhưng nếu ta muốn đưa nó trở về tình trạng như lúc ban đầu thì có được hay là không?”.
Lại một môn đồ khác xin phép được trả lời: “Thưa đức Phật, tất nhiên điều đó là có thể rồi ạ, ngài chỉ cần cởi các nút thắt đó ra là được thôi ạ”.
Đức Phật lại hỏi tiếp: “Vậy làm sao để mở các nút thắt này? Có phải cứ kéo cái khăn từ hai phía thì các nút thắt này sẽ tự bung ra không?”.
Các môn đồ lại nhìn nhau. Quả thật lúc trước, họ vừa nghe đức Phật nói nên thi thoảng mới nhìn tới bàn tay của đức Phật, do đó, họ cũng không rõ ngài đã thắt nó bằng cách nào. Chính vì thế, khi đức Phật hỏi cách tháo nút thắt, không nhiều người tự tin đưa ra được câu trả lời.
Cuối cùng, một môn đồ lại mạnh dạn trả lời rằng: “Thưa đức Phật, nếu lúc trước chúng con chăm chú nhìn thắt nút, thì có lẽ bây giờ việc cởi nút thắt sẽ trở nên dễ dàng hơn, chứ mỗi nút lại được thắt theo một kiểu, nút thì thắt từ bên trái, nút lại thắt từ bên phải, nếu cứ kéo bừa chiếc khăn từ hai phía thì có lẽ những nút thắt sẽ lại càng bị chặt hơn thôi ạ”.
Đến lúc này, đức Phật mới mỉm cười với các môn đồ và nói: “Đúng vậy. Đó cũng là những gì ta muốn nói với các ngươi. Nhiều khi các ngươi to tiếng với người thân, với bạn bè, chỉ vì muốn chứng minh mình đúng, các ngươi đã không ngừng tạo nên những nút thắt như vậy và khiến chúng ngày càng bị thắt chặt hơn, khó tháo gỡ hơn trong các mối quan hệ như vậy.
Thế nhưng, chỉ cần các ngươi đủ bình tĩnh để suy xét, tìm ra lý do đằng sau mỗi một nút thắt, không mong đợi gì ở người kia, sẵn sàng xóa bỏ mâu thuẫn thì các ngươi sẽ dễ dàng cởi được mọi nút thắt trong mối quan hệ. Khi đó, mối quan hệ của các ngươi sẽ có thể lại tốt đẹp như lúc ban đầu, cũng giống như chiếc khăn này.
Mỗi ngày trôi qua, hãy tìm cách tháo gỡ những nút thắt mà mình, hoặc vô tình, hoặc cố ý đã tạo ra, chứ đừng tìm cách tạo thêm những nút thắt trong cuộc sống nữa”.
Lời bàn: Quả thật, chỉ bằng một phép so sánh đơn giản, đức Phật đã có thể giúp cho nhiều người thấu tỏ được những vấn đề mà họ đang gặp phải.
Trong cuộc sống, nếu mỗi một mối quan hệ của chúng ta với một người khác được coi là một chiếc khăn tay, thì có lẽ, chúng ta sở hữu rất nhiều những chiếc khăn tay. Với mỗi người, chúng ta lại có những mâu thuẫn riêng, không ai giống ai, dù là với cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp.
Những mối quan hệ này là thứ vô hình, nên nhiều khi những tranh cãi, mâu thuẫn ấy xảy ra, chúng ta không để ý, rồi khi chúng ngày một chất chồng, tạo nên vô số nút thắt, việc tháo gỡ sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Người thắt nút cũng chính là người biết cách cởi nút nhanh nhất. Do đó, chẳng ai khác ngoài chúng ta phải là người chủ động tháo gỡ những mâu thuẫn trong những mối quan hệ của mình.
Đừng bao giờ nghĩ những nút thắt đó sẽ bỗng dưng biến mất. Nếu không dùng thành ý của mình để cởi nó, nút thắt sẽ mãi còn đó, cũng như những vết sẹo, những tổn thương mà ta đã gây ra cho những người xung quanh.