Đắk Lắk mưa to, lên phương án đưa dân khỏi vùng nguy cơ lở đất, lũ quét

 Đắk Lắk mưa to, lên phương án đưa dân khỏi vùng nguy cơ lở đất, lũ quét

M’đrắk là một trong những huyện có mưa to nhất Đắk Lắk.

Hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa đạt trên 100mm. Chính quyền đã tập trung lực lượng tại các vùng xung yếu, sẵn sàng phương án di dân khỏi nơi có nguy cơ ngập lụt, lở đất, lũ quét…

Chính quyền Đắk Lắk yêu cầu đảm bảo an toàn hồ đập.

Sáng 10/11, ông Nguyễn Thế Thập – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’đrắk cho biết, đang tập trung lực lượng tại xã Cư San (nơi có hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đang thi công) để khi có tình huống phát sinh sẽ di dân ngay. Theo đó, những hộ có người thân ở nơi an toàn, lực lượng cứu hộ sẽ ưu tiên đưa về đó trú lánh; những hộ còn lại sẽ đưa về trường học, trạm y tế…

“Chúng tôi đang có mặt tại xã Cư San và theo dõi sát tình hình thời tiết. Mấy ngày nay ở huyện đã có mưa nhưng mưa to bắt đầu từ đêm qua; mực nước sông, suối đang dâng cao. Phương án di dân khẩn cấp tại khu vực Krông Pách Thượng và các khu vực xung yếu khác đã có, khi có tình huống, chúng tôi sẽ di dân ngay”, ông Thập thông tin.

M’đrắk là một trong những huyện có mưa to nhất Đắk Lắk.

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, từ ngày 9/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, có nơi mưa rất to và giông. Lượng mưa phổ biến từ 50- 100mm, đặc biệt, ở phía đông tỉnh Đắk Lắk (huyện M’đrắk, Ea Kar…) lượng mưa từ 80- 130mm, có nơi trên 130mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở tại các huyện M’đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Tx.Buôn Hồ, Krông Păk, Krông Bông, EaSup, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, Krông Ana, Cư Kuin, Lắk.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai Đắk Lắk đã có công văn đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mưa lũ; tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để điều tiết lũ; cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ đập bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Nước mưa tràn vào rừng keo của người dân huyện M’đắk vào chiều 9/11. Ảnh người dân cung cấp.

Tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách thượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện M’đrắk, Ban Quản lý và Đầu tư xây dựng Thủy lợi 8, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp khẩn trương rà soát, xác định cụ thể địa điểm nơi ở mới an toàn, không được lơ là, chủ quan, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, cập nhật phương án di dời dân về nơi an toàn trước mùa mưa bão.

Các địa phương sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cảnh báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực các công trình cầu dân sinh bị hư hỏng, đường giao thông bị sạt lở (các huyện M’đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp…) và khu vực các công trình cầu, cống, đường giao thông có nguy cơ mất an toàn, thường xuyên bị ngập lụt do mưa, lũ trên địa bàn tỉnh.

HUỲNH THỦY (Tiền Phong)

HongLien

Related post