“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”
(Vì sao – Xuân Diệu)
Tình yêu là một loại trạng thái mà đến hiện tại vẫn không ai có thể định nghĩa một cách chính xác. Đối với khoa học thì tình yêu là sự tăng tiết hoocmon oxytoxin, một loại hoocmon được tiết ra nhiều khi con người chúng ta thực hiện những hành động thân mật với nhau. Còn về khía cạnh sinh học thì tình yêu lại là một cách tự nhiên để con người duy trì nòi giống, chống lại sự diệt vong của loài người. Nhưng trong thơ ca thì tình yêu là thứ khó định nghĩa nhất, đối với Xuân Diệu thì ” Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”. Nhưng trong lời thơ của thi sĩ Trương Thành Toán thì tình yêu ông dành cho cô gái của mình lại là:
“Tôi muốn gửi em vào tủ rượu
Mỗi chiều về rót uống cho say
Nhìn đáy cốc thấy hình em đó
Ta có nhau trong suốt tháng ngày.”
Nhưng thực sự tình yêu cũng chỉ là một món hàng hóa, khi được giá, thuận mua vừa bán thì cuộc giao dịch thành công. Nếu giá cao thì không ai mua, còn nếu giá thấp thì người bán sẽ bị “hố”. Nhưng điều khác biệt là cái giá dành cho tình yêu không phải là tiền mà là sự tổng hợp tất cả các yêu tố vào bên trong một con người. “Tôi muốn có một người chồng có nhà, có xe, có việc làm ổn định, lương tháng xx triệu trở lên”, “Tôi muốn có một người vợ biết quan tâm, chăm sóc và biết lắng nghe mình” thì cái giá để bạn có được một người như thế cũng phải tương xứng.
“Cái gì cũng có giá của nó”. Và tình yêu cũng vậy, điển hình như trong câu chuyện “Cô bé lọ lem” mà bạn ít nhất đã một lần nghe qua. Với sự ác độc của dì ghẻ, Lọ Lem phải làm quần quật từ sáng đến tối. Vì lúc nào cũng ở gần tro bụi trong bếp khiến cô càng ngày càng lem luốc, nên hai đứa con gái của dì ghẻ liền đặt tên cho cô là “Lọ Lem”. Nhưng nếu Lọ Lem vẫn giữ nguyên bộ dạng đó để đi dạ hội, mà không được những chim thả xuống cho cô một bộ váy áo vô cùng xinh đẹp, lộng lẫy chưa từng có và còn cả đôi hài làm bằng vàng. Thì liệu hoàng tử có để mắt đến cô?
Bản chất của tình yêu là vậy và đó cũng là thứ làm cho chúng ta có thể giải thích được sự tan vỡ trong tình yêu. Lý do được nhiều người đề cập đến nhất là “Không hợp nữa”. Nghe có vẻ đó chỉ là một sự bao biện nhưng thực tế thì không phải là vậy. Tình yêu như là một chặng đường mà không có điểm kết thúc, còn những người trong tình yêu lại là những nhà lữ hành. Một người có tốc độ đi nhanh, một người có tốc độ đi chậm hơn thì sẽ không thể đi cùng nhau. Và nếu hai người có hai đích đến khác nhau cũng không thể đồng hành cùng nhau. Đó cũng là nguồn gốc của sự tan vỡ trong chuyện tình cảm.
Nếu vậy, liệu tình yêu bền vững có còn tồn tại? Nhiều người không tin vào điều đó nhưng nó vẫn còn tồn tại. Đó là khi hai bánh răng của chiếc động cơ khớp lại với nhau tạo nên một thể thống nhất. Không những khớp với nhau, đi cùng nhau mà khi bổ trợ được cho nhau thì “bánh xe tình yêu” sẽ lăn một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính là lúc hai người cùng nhau phát triển, cùng nhau nỗ lực và thay đổi bản thân họ nhưng khi đó cũng chính là lúc chúng ta cảm nhận được nhau. Như Jim Rohn – một người thầy vĩ đại đã từng nói:
“Nếu bạn thay đổi, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi cho phù hợp với bạn, đừng chờ đợi mọi thứ sẽ thay đổi cho bạn vì nó sẽ không thay đổi. Thay đổi chính bản thân mình… và mọi thứ sẽ thay đổi theo bạn.”
Vì vậy đừng cố gắng thay đổi cô gái hay chàng trai đang cạnh bạn, ngưng phàn nàn về những thứ xung quanh người ấy. Thay vào đó, hãy thay đổi chính bản thân mình, cải thiện những điều chưa hoàn hảo của bản thân để chính bạn trở thành một người “Có giá”. Và sẽ có người “Trả giá” phù hợp với giá trị của bạn.
Đọc thêm: Làm thuê hay làm chủ
___TAD___