Tôi không thích câu chuyện thành công, vì người thành công nói gì cũng đúng. Tôi thường muốn nghe chuyện thất bại.
Tôi là cựu học sinh chuyên toán. Ngày bé, nhà nghèo, ngay từ khi học phổ thông tôi đã muốn sau này sẽ theo con đường “phi thương bất phú”. Hai mươi tuổi, tôi bước chân vào trường kinh tế và bắt đầu hành trình.
Tôi từng khởi nghiệp nhiều lần. Suốt ba năm làm sinh viên, tôi mua sim điện thoại theo lô về bán lẻ. Số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng nó làm tôi cảm thấy đam mê và thích thú. Ra trường được một năm, tôi và hai người bạn chung tiền mở quán cà phê trong ngõ. Sau sáu tháng, do không nhiều vốn, kỹ năng quản lý kém và đặc biệt ba anh em không trực tiếp làm mà thuê hai nhân viên, vốn bị thất thoát và càng làm càng thiệt. Ba “nhà đầu tư” mỗi người không những mất số tiền ban đầu mà còn phải bỏ ra thêm một ít để bù lỗ.
Sau ba năm đi làm, tôi lại cùng người bạn mở công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, nhập và phân phối cho các đại lý. Nhưng chỉ một năm, công ty phải đóng cửa gấp vì mấy lý do: tiền thuê cửa hàng cao do chọn mặt bằng trung tâm, không lấy được hàng với giá gốc vì nhập qua trung gian, kỹ năng quản lý nhân sự và dòng tiền kém. Nhưng rồi, một năm sau, tôi lại cùng hai ông anh mở dịch vụ cho thuê ô tô. Chúng tôi ký hợp đồng với công ty nước ngoài ở Bắc Ninh, cho họ thuê xe bảy chỗ chở các chuyên gia. Vốn của mấy anh em mỏng nên chúng tôi phải đi vay ngân hàng. Và kết quả, chúng tôi làm chỉ để trả nợ ngân hàng.
Tôi còn nhiều “phi vụ làm ăn” nữa, thất bại nhiều hơn thành công. Sau này, tôi may mắn được làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Họ vẫn thường nói, một start-up cần tuân thủ sáu bước chuẩn hóa để có thể thành công, gồm: xác định chiến lược, xác định mô hình kinh doanh, xác định mô hình hoạt động phù hợp, xây dựng cơ cấu tổ chức, chuyển đổi văn hóa và thực thi. Nhưng tôi thấy còn nhiều bài học không có trong sách vở.
Là người khởi nghiệp nhiều năm và tham gia cố vấn cho một số start-up non trẻ, tôi nhận thấy những ai muốn lập start-up nên đi làm thuê từ 5 đến 10 năm. Tại sao? Bởi chỉ đi làm thuê mình mới hiểu cách một cỗ máy kinh doanh vận hành, rằng khách hàng, đối tác và nhân viên cần gì ở mình. Không thể có chuyện chưa đi làm thuê đã đòi làm chủ. Cũng có những trường hợp như Bill Gates, nhưng đó chỉ là những cá thể xuất chúng của nhân loại. Làm thuê chính là một bài kiểm tra thực sự về sức mạnh và sự nhẫn nại của bản thân. Mình đã đủ kiến thức, kinh nghiệm, đủ trải nghiệm trong công việc và quan trọng hơn, đủ bản lĩnh đương đầu với sóng gió khi làm chủ một doanh nghiệp hay chưa. Làm thuê thành công thì mới có thể làm chủ. Thương trường là chiến trường mà ở đó anh phải bản lĩnh, sáng tạo và hết sức bền bỉ. Tất nhiên không phải cứ giỏi kiến thức sẽ thành công, nhưng tôi chưa thấy ai thành công mà không giỏi cả.
Các start-up ở Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, tính đột phá chưa cao, số thành công thực sự như Foody, Cốc cốc, Momo, Topica, Luxstay, Tiki không nhiều trong khi số người khởi nghiệp rất lớn. Thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày ở Việt Nam có ít nhất trên 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chưa kể các dự án khởi nghiệp không đăng ký. Nhưng đa số những người chủ chưa có nhiều kinh nghiệm về quản trị công ty, thiếu các kỹ năng quản trị nhân sự, quản trị dòng tiền, bài toán chi phí và rất nhiều các yếu tố không tên khác. Đó là lý do nhiều người vẫn khởi nghiệp theo phong trào và theo cảm tính, bỏ ra số tiền lớn và bao công sức nhưng vẫn thất bại. Đa phần các start-up đều đốt tiền trong mấy năm đầu mà lợi nhuận hầu như không có. Đó là lý do tôi hay khuyên các bạn cân nhắc kỹ và chọn cho mình con đường hợp lý để dù thành công hay thất bại cũng không hối tiếc, và quan trọng là không ảnh hưởng đến ai. Nếu bạn không có tố chất làm chủ, mình đi làm thuê cũng được. Làm thuê vẫn có nhiều người giàu có, thành công. Làm chủ nếu không đủ năng lực thì quả là tai họa.
Có một vấn đề tôi nhận thấy, nhiều start-up ở Việt Nam thường không trung thực. Tôi theo dõi một số chương trình về khởi nghiệp, nghe các “shark” nói người khởi nghiệp che giấu số liệu báo cáo tài chính và các khoản nợ. Họ đâu biết rằng đối mặt với mình là những chuyên gia đầu ngành, những CEO lão luyện thương trường – người đã trải qua biết bao thất bại cay đắng. “Shark” Dũng và tôi cùng quê miền trung, anh hơn tôi bảy tuổi, là “bà đỡ” mát tay cho nhiều start-up tại Việt Nam. Một lần, anh phát biểu rằng sau khi nhận đầu tư vào một số dự án khởi nghiệp, khi làm việc, anh thấy các bạn trẻ ở công ty đó không trung thực. Được đào tạo bài bản ở Nhật, anh đọc các chỉ số tài chính và nhận ra ngay họ nói chính xác không.
Vì thế, theo tôi những ai muốn khởi nghiệp, đầu tiên chuẩn bị cho mình kiến thức về đạo đức kinh doanh, rồi mới tới quản lý nhân sự, chi phí, dòng tiền, phân tích ngành. Sự học ở đời không bao giờ là thừa cả, cả cuộc đời luôn luôn phải học hỏi nếu không muốn tụt hậu. Nếu bạn nghĩ mình giỏi nhưng chưa thành công, tôi xin trả lời luôn là bạn chưa giỏi đâu. Người giỏi hơn bạn trong xã hội quá nhiều. “Nếu bạn chưa thành công chứng tỏ có những cái bạn còn kém”, tôi đã nói thẳng với một số bạn để họ bớt tự tin đi một chút.
Tất nhiên, nếu muốn khởi nghiệp, bạn cứ mạnh dạn thử. Nhưng vừa làm vừa nhìn lại mình cẩn thận mỗi ngày. Nếu thấy không đi đến đâu thì dừng lại, chuyển qua làm cái khác bớt mất mát hơn. Thế mới là “giỏi”. Chỉ thất bại có hiểu biết mới biến bạn trở thành một người có giá trị hơn.
Nguyễn Ngọc Tú