Tuần thai thứ 6: Mẹ đã có thể nghe thấy tiếng tim bé

 Tuần thai thứ 6: Mẹ đã có thể nghe thấy tiếng tim bé

Tuần thai thứ 6, kích thước của bé đã tăng gấp đôi – bằng một hạt đậu Hà Lan và dài hơn 1cm; não và hệ thần kinh cũng phát triển một cách nhanh chóng.

Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 6

Lúc này, bàn chân và bàn tay của bé cũng bắt đầu nhô ra. Tuy nhiên, lúc này bé vẫn chỉ được xem là một phôi thai bởi dấu tích của một cái đuôi nhỏ vẫn còn. Sau vài tuần tới, cái đuôi sẽ dần nhỏ lại và biến mất.

Vào ngày thứ 36 sẽ phân biệt được đâu là chân, đâu là tay của bé khi chúng bắt đầu dài ra. Ngày thứ 37, bé sẽ có những cử động yếu ớt đầu tiên dù mẹ không thể cảm nhận được. Tuy nhiên, những cử động này sẽ dần trở nên mạnh mẽ hơn. Ngày thứ 38, phần tay dần phân chia ngón nhưng chỉ ở mức sơ khai chứ chưa thành những ngón riêng biệt.

Vào ngày thứ 40, túi thị giác được hình thành cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của não và hệ thần kinh. Lúc này, kích thước não đã lớn hơn 25% so với những ngày trước đây. Trên gương mặt bé, mũi bắt đầu hình thành và có những phát triển sơ khai vào ngày thứ 41. Còn hình dáng của một cái chân với đầu gối, bắp đùi được dần hoàn thiện vào ngày thứ 42.

Trong tuần này, van tim của bé cũng xuất hiện. Nếu đi siêu âm, bạn đã có thể nghe thấy tiếng tim thai của bé! Lúc này, bé đã có ruột cũng như tuyến tụy, một đoạn ruột phát triển thành dây rốn với mạch máu riêng mang oxy và dưỡng chất từ mẹ đến cho bé cũng như đào thải chất thải từ cơ thể bé.

Dù phát triển mạnh mẽ như vậy nhưng bé vẫn chỉ trông như có đầu với cái trán rất to còn thân hình bé xíu.

tuần thai thứ 6

Sự thay đổi trong cơ thể mẹ trong tuần thai thứ 6

Lúc này, tử cung đã tăng gấp đôi kích thước nên mẹ có thể nhận thấy bụng dày thêm. Chứng buồn nôn vẫn có thể đang hành hạ khiến mẹ cảm thấy thường xuyên mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi.

Vùng chậu có cảm giác đầy và nặng hơn đồng thời bạn có thể cảm thấy hơi đau ở dưới thắt lưng do áp lực từ tử cung đang lớn dần tác động lên cột sống dưới. Điều này sẽ diễn ra trong suốt thai kỳ. Mẹ vẫn đi tiểu thường xuyên, còn lượng máu trong cơ thể thì tăng lên khoảng 10%.

Về mặt cảm xúc, có lúc mẹ sẽ cảm thấy buồn rầu, dễ nổi cáu, tính khí trở nên thất thường nhiều hơn do lượng hóc môn trong cơ thể thay đổi. Lúc này, mẹ vừa lo lắng cho sự an toàn của bé, vừa tò mò, háo mức muốn biết bé phát triển đến đâu, giới tính của bé là gì.

Với những mẹ bị ốm nghén nặng, thì việc chú ý về chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống, sinh hoạt là điều vô cùng cần thiết. Dù chán ăn nhưng mẹ cố gắng đừng bỏ bữa để tránh bị hạ đường huyết. Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, nghỉ ngơi và ngủ những giấc ngắn, hít chanh hoặc ngậm gừng để giảm cơn buồn nôn, ăn một chút khoai tây chiên muối để làm dịu bao tử, hạn chế ăn thức ăn cay nóng… Mẹ cũng nên tránh làm việc quá nhiều, ôm đồm việc khiến cơ thể bị mệt mỏi.

>> Xem thêm: Tuần thai thứ 5: Giai đoạn hình thành não bộ của bé

Lời khuyên bổ ích dành cho mẹ trong tuần thai thứ 6

  • Mẹ hãy chia sẻ cùng bố những đổi khác trong cơ thể mình. Hãy để bố cùng tham gia vào hành trình mang thai của mẹ để vừa gắn kết tình cảm vợ chồng, vừa giúp bố hiểu hơn những khó khăn mà mẹ đang trải qua.
  • Để lưu giữ những kỉ niệm tuyệt vời trong quá trình mang thai, mẹ có thể bắt đầu chụp hình để ghi lại hành trình phát triển của bụng bầu và của cả bé yêu nữa. Hãy chụp mỗi tháng một lần đến khi bé chào đời nhé!

HongLien

Related post