Tuần thai thứ 5: Giai đoạn hình thành não bộ của bé

 Tuần thai thứ 5: Giai đoạn hình thành não bộ của bé

Tuần thai này là giai đoạn hình thành não bộ của bé. Cũng từ đây, bé bắt đầu hình thành hình hài với sự xuất hiện của mũi, miệng và tai; các chi cũng như bộ phận sinh dục của bé cũng bắt đầu phát triển.

Giai đoạn hình thành não bộ của bé trong tuần thai thứ 5

Tuần này, phôi thai dài khoảng 1,25mm và bé bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Vào ngày thứ 29, nhịp tim của bé bắt đầu ổn định, đập khoảng 100 – 160 lần/ phút giúp lưu thông máu, Oxy và chất dinh dưỡng cũng được trao đổi giữa mẹ và thai nhi khi dây rốn và nhau thai đi vào hoạt động.

Trong khi đó, tay và chân của bé bắt đầu hình thành vào đầu tuần thai. Hình dạng của các chi lúc này giống như mái chèo nhưng sẽ nhanh chóng được hoàn thiện. Nhưng trước đó một ngày, thận của bé đã nằm đúng vị trí để chờ đợi ngày đi vào hoạt động.

Vào giữa tuần thai, khuôn mặt của bé bắt đầu hình thành với môi, mũi và tai. Lúc này, đầu của bé vẫn quá khổ so với cơ thể, mắt và mũi là những đốm sâu, tai là chỗ lõm nhỏ ở hai bên đầu. Bộ phận sinh dục của bé bắt đầu “lộ diện” sau đó. Ruột cũng đang phát triển và các chồi mô hình thành phổi đã xuất hiện. Tuyến yên cũng như phần còn lại của bộ não, cơ bắp và xương đang hình thành.

Đặc biệt, tuần này là giai đoạn hình thành não bộ của bé phát triển vô cùng mạnh mẽ, trong 1 phút sẽ có khoảng 100 tế bào não mới được hình thành. Đó là lý do mẹ liên tục cảm thấy đói và cần phải ăn để bổ sung năng lượng hỗ trợ cho sự phát triển của bé.

Sự thay đổi trong cơ thể mẹ trong tuần thai thứ 5

Khi ở tuần thứ 5 của thai kỳ tức là bé yêu đã được 3 tuần tuổi, lúc này mẹ sẽ không còn hành kinh và có thể dùng que thử thai hoặc đến bệnh viện thực hiện thử máu để khẳng định là mình đã mang thai.

Tuần thai này, cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi rõ rệt: ngực căng và nhức do sự phát triển của tuyến sữa, đi tiểu nhiều lần do phôi thai lớn dần tạo áp lực lên bàng quang.

Hiện tượng nghén bắt đầu xuất hiện với những cơn buồn nôn, sợ mùi lạ và có thể bị táo bón. Sự gia tăng nhanh chóng của các hormone và lượng máu cũng khiến cơ thể trở nên nóng nực, mọc nhiều mụn như đang ở tuổi dậy thì.

Cùng với đó là sự thay đổi trong tính cách: lúc vui, lúc buồn, dễ bực bội và cáu gắt. Mẹ cũng sẽ thấy mệt mỏi và thường xuyên buồn ngủ. Đây là một triệu chứng phổ biến trong những tháng đầu thai kỳ nên mẹ không cần phải lo lắng.

Một hiện tượng mà mẹ cần chú ý đó là việc xuất hiện những vệt máu hoặc bị chảy máu thường xuyên. Với đa số các mẹ, hiện tượng này là bình thường nhưng cũng có nhiều trường hợp, đó là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai. Vì thế, mẹ cần đến ngay bệnh viện hoặc bác sỹ để khám khi có những dấu hiệu trên.

>> Tuần thai thứ 4: Giai đoạn khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của bé

Lời khuyên bổ ích dành cho mẹ trong tuần thai thứ 5

  • Để giảm bớt sự khó chịu khi bị ốm nghén, mẹ có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, ăn thực phẩm dễ tiêu, uống nhiều nước và tránh xa các loại thức uống có ga, rượu, bia, cà phê. Việc uống nước nhiều còn giúp giảm hiện tượng táo bón – vốn là vấn đề tế nhị mà hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải.
  • Trong giai đoạn này, mẹ nên chú ý nhiều hơn đến thực đơn ăn uống của mình. Thực đơn giàu protein như thịt đỏ, trứng, các loại hạt, ngũ cốc… cùng các loại trái cây, rau xanh… vẫn là lựa chọn tốt cho mẹ bầu. Đặc biệt, mẹ cần tránh ăn mặn và các món ăn vặt có vị mặn nhé! Ngoài ra, mẹ nên bổ sung vitamin C bằng các loại nước cam, chanh… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Một lưu ý quan trọng cho mẹ bầu là phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh các bệnh về nướu. Bởi đều này có liên quan đến khả năng sinh non cũng như một số rủi ro khác trong thai kỳ.

HongLien

Related post