huyết áp

Tăng huyết áp: Các yếu tố nguy cơ

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch. Khi chỉ số huyết áp là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được xem là huyết áp cao. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp:

1. Tuổi tác

Khi tuổi càng cao, thành mạch máu trở nên xơ cứng, khả năng đàn hồi giảm nên áp lực trong lòng mạch sẽ tăng lên. Từ đó, huyết áp ở người lớn tuổi sẽ cao hơn lúc còn trẻ.

Theo đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của căn bệnh tăng huyết áp.

2. Thói quen ăn mặn

Ăn mặn là yếu tố nguy cơ gây ra tăng huyết áp và nhiều bệnh lí nghiêm trọng khác của cơ thể. Lượng muối khuyến cáo trong khẩu phần ăn của một người bị tăng huyết áp là không vượt quá 6 gam một ngày, tức tương đương một thìa cà phê. Tuy nhiên, do thói quen, tập quán sinh hoạt mà hầu hết người Việt Nam nói riêng và dân tộc Á châu nói chung đều tiêu thụ lượng muối nhiều hơn khuyến cáo rất nhiều lần.

Chính vì thế, chế độ ăn nhạt là một cách quan trọng giúp phòng tránh và điều trị tăng huyết áp. Với những người trong giai đoạn tiền tăng huyết áp, chỉ cần ăn nhạt hơn, bớt nêm nếm thêm gia vị cũng có thể giữ được huyết áp ổn định mà không cần uống một viên thuốc nào.

3. Lối sống lười vận động

Ở những người ít vận động, nguy cơ bị rối loạn lipid máu sẽ tăng lên, giảm dung nạp đường gây đái tháo đường và gián tiếp làm tăng huyết áp và các bệnh lí khác như béo phì, bệnh tim mạch.

Vì vậy để giảm nguy cơ tăng huyết áp, mọi người nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần bằng các bài tập thể lực như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe…

4. Rối loạn lipid máu

Khi nồng độ mỡ trong máu tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến các mạch máu. Lớp nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương và trở nên xơ cứng, lắng đọng các mảng xơ vữa, giảm mất khả năng đàn hồi, từ đó làm huyết áp tăng lên.

Vì vậy thực hiện lối sống và chế độ ăn kiểm soát lipid máu là vô cùng cần thiết, bằng cách giảm tiêu thụ các chất béo không lành mạnh: như chất béo có trong nội tạng động vật, hải sản,…;  tăng cường bổ sung rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây vào chế độ ăn uống hàng ngày

5. Tiền sử gia đình

Theo nhiều nghiên cứu quan sát cho thấy rằng khả năng con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp sẽ có nguy cơ mắc cao huyết áp cao hơn người bình thường.

Các đối tượng này cần tích cực thăm khám để phát hiện sớm nhằm phòng tránh các biến cố tim mạch trước khi để xảy ra một cách đáng tiếc.

6. Tổng trạng thừa cân – béo phì

Cân nặng của cơ thể cũng có mối tương quan với chỉ số huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy rằng người có khối lượng cơ thể càng tăng thì huyết áp cũng sẽ càng tăng. Cụ thể là bệnh lý này phát hiện với tỷ lệ khá cao trong nhóm dân số thừa cân – béo phì. Không những vậy béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lí nguy hiểm khác: bệnh tim mạch, đái tháo đường…

Như vậy, song song với việc tập luyện thể lực, cần phải chú ý duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Hình thành thói quen đo cân nặng mỗi ngày để tìm cách giảm cân khi phát hiện dư cân.

7. Bệnh lý đi kèm

Huyết áp cao có thể là do mắc các bệnh lý như bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận hoặc các bệnh lý nội tiết khác như cường Aldosteron tiên phát (hội chứng Conn), hội chứng Cushing, bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên… Một số sản phụ được ghi nhận tăng huyết áp khi có thai.

Đối với các trường hợp này, ngoài việc kiểm soát huyết áp, cần phải tích cực tìm kiếm nguyên nhân và điều trị. Khi đó, huyết áp sẽ mau chóng ổn định hay thậm chí còn được chữa khỏi.

8. Hút thuốc lá

Khói thuốc lá là tập hợp của hơn 100 loại chất hóa học là độc tố của cơ thể. Trong đó, hệ tim mạch chịu tổn thương nhiều nhất. Chất nicotin trong thuốc lá gây hưng phấn thần kinh, thúc đẩy cường giao cảm, gây co mạch và tăng huyết áp. Hơn thế nữa, mối nguy hại đến từ thuốc lá không chỉ tác động trên cá nhân người hút thuốc mà cả những người xung quanh hít phải khói thuốc, đặc biệt là người già và trẻ em.

Vì thế, thói quen hút thuốc lá cần kiên quyết từ bỏ, nhằm giữ sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng.

9. Uống quá nhiều bia rượu

Giống như nicotin , chất cồn cũng là một độc tố của hệ tim mạch. Nồng độ cồn quá cao trong máu làm ảnh hưởng các quá trình chuyển hóa, làm tăng lipid máu, làm tổn thương hệ mạch, gây ra các bệnh lý tim mạch, trong đó có cả tăng huyết áp.

Vì vậy nên sử dụng rượu bia một cách hợp lí, sử dụng với liều lượng kiểm soát, tránh tình trạng lạ dụng rượu bia.

Xem thêm bài viết: Top 8 điều nên làm để bảo vệ mắt

 

Exit mobile version