“Đừng bỏ lỡ” những điều cần biết về đột quỵ
Đột quỵ là một bệnh cực kì nguy hiểm nếu không phòng bệnh và điều trị kịp thời. Vì vậy mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu thêm để biết thêm thông tin về căn bệnh này. Từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho bạn và những người xung quanh.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện trạng đột quỵ của nước ta
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% số đó tử vong và chỉ 10% những người sống sót là bình phục hoàn toàn. Tỷ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần bệnh nhân nữ, điều đáng lo ngại là số ca đột quỵ tăng lên khoảng 2% sau 3 năm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thực tế, ngoài tuổi 40, bất cứ ai, đặc biệt là nam giới với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống có thể bị đột quỵ ập tới bất cứ lúc nào. Thống kê cho thấy, 1/3 số ca đột quỵ rơi vào độ tuổi 40-45.
Những nguyên nhân gây nên đột quỵ
1.Đột quỵ do thiếu máu cục bộ:
Gây ra bởi tắc nghẽn trong mạch máu, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến là:
- Đột quỵ do huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một mạch máu ở cổ hoặc não. Làm ngăn cản dòng máu cung cấp cho não, khiến não thiếu oxy và chất dinh dưỡng gây nên đột quỵ.
- Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não có thể làm hình thành cục máu đông.
2.Đột quỵ do xuất huyết:
Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do mạch máu bị phình hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
3.Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA):
Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần được đánh giá bởi một bác sỹ ngay.
Những người có nguy cơ bị đột quỵ
Nhiều yếu tố nguy cơ khiến một người dễ bị đột quỵ hơn nhưng tin tốt là có thể phòng tránh được hơn một nửa số loại đột quỵ bằng chăm sóc y tế và thay đổi lối sống.
Chứng tăng huyết áp (cao huyết áp): Nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng khi huyết áp duy trì ở trên mức 115/75. Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ. Do cao huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hai đến sáu lần nên việc kiểm soát huyết áp giúp giảm nguy cơ đáng kể. Ngoài việc sử dụng thuốc giảm huyết áp thì cần phải thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Không những đối với những người hút thuốc mà những người phơi nhiễm với hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nhưng tin tốt là, nếu bạn dừng hút thuốc hôm nay, trong vòng 2 – 5 năm, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.
Cholesterol cao và thừa cân: Mức cholesterol từ 200 trở xuống là tốt nhất cho người trưởng thành. Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này (là nguyên nhân gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ). Thừa cân còn làm gia tăng các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp. Ngoài việc uống các thuốc làm giảm cholesterol có thể giảm nguy cơ đột quỵ, thì nên thay đổi lối sống ngồi yên ít vận động để là giảm nguy cơ này.
Hậu quả sau đột quỵ
Phục hồi sau đột quỵ khác nhau: một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng là tử vong. Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào đột quỵ xảy ra ở nơi nào trên não và thời gian bệnh nhân được chữa trị nhanh hay chậm. Đột quỵ xảy ra ở não trái có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và trí nhớ, cũng như vận động ở phần cơ thể bên phải và ngược lại.
Mặc dù hậu quả để lại cho những người bị đột quỵ là khác nhau nhưng những triệu chứng thể chất, nhận thức và cảm xúc chung của những người này thường là:
Tê liệt hoặc yếu: Thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bị bỏ mặc một bên (lờ hoặc quên mất phần cơ thể bị ảnh hưởng).
Vấn đề thị giác: Bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn của mình.
Khó khăn trong giao tiếp: bệnh nhân không thể nói chuyện một cách bình thường, lời nói không rõ ràng. Không hiểu, không nhớ hoặc không nhắc lại được những câu đơn giản mà người khác vừa nói qua.
Rối loạn cảm xúc: Đột nhiên có hành động khóc, tức giận hoặc cười mà không có lý do. Những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng và có thể giảm dần theo thời gian.
Ở trên là các chia sẻ của Daklak.me về bệnh đột quỵ, rất mong các kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn đọc và người thân của mình có thể phòng và điều trị một cách hiệu quả nhất
—Daklak.me—
Tìm hiểu thêm: Một tháng trước cơn đau tim, cơ thể sẽ cảnh báo sớm 8 dấu hiệu dễ nhầm lẫn bạn không được bỏ qua