Đắk Lắk ghi nhận gần 400 ca sốt xuất huyết chỉ trong 1 tháng

 Đắk Lắk ghi nhận gần 400 ca sốt xuất huyết chỉ trong 1 tháng

Cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) giúp người dân diệt bọ gậy, loăng quăng. Ảnh: B.T

Trong vòng 1 tháng, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng gần 400 ca nhiễm sốt xuất huyết và dự báo vẫn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới

Ngày 29.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng hơn 700 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh đã có gần 400 ca bệnh. Trong đó, các địa phương có ca nhiễm nhiều nhất là huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắk…

Theo CDC Đắk Lắk, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh theo chu kỳ 3 năm lập đỉnh dịch một lần.

Năm 2013, toàn tỉnh ghi nhận 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết, năm 2016 ghi nhận 13.234 trường hợp và năm 2019 ghi nhận 23.040 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Năm 2022 được dự báo sẽ là năm đỉnh dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở địa bàn tỉnh này.

Chị T.T.Q. (huyện Krông Búk) cho biết: “Con của tôi vừa tròn 2 tuổi. Cách đây 5 ngày, ở nhà bé sốt cao, nôn ói, bỏ bú.

Ở nhà uống thuốc hạ sốt và điều trị 3 ngày nhưng tình trạng cháu không đỡ, tôi đưa con vào khám tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm bé bị sốt xuất huyết.

Tôi rất lo khi cháu bị chảy máu chân răng. Vì đang là mùa dịch, nên các cha mẹ nên bảo vệ con thật kỹ, tránh không để con bị muỗi đốt, khi thấy con sốt thì nên đưa con đi bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, không nên để con ở nhà tự theo dõi điều trị như tôi vì sẽ rất nguy hiểm”.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên): “Dù mới là thời điểm đầu mùa mưa nhưng số trường hợp bệnh nhi nhập viện vì mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh.

Có bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nặng, tổn thương đa cơ quan. Bệnh này được phân thành nhiều độ khác nhau, gồm sốt xuất huyết cảnh báo, nặng, có sốc và sốc nặng.

Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tẩm màn hóa chất diệt muỗi cho người dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh: B.T

Theo bác sĩ Minh: Khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, cần chú ý hạ sốt cho trẻ, lau mát, chú ý chế độ dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, vitamin để trẻ có sức đề kháng tốt.

Phụ huynh cần tuân theo hướng dẫn cũng như điều trị của bác sĩ, đặc biệt chú ý theo sát trẻ từ ngày thứ 3 trở đi để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo, chuyển nặng của bệnh.

Các dấu hiệu cảnh báo thường gặp ở trẻ em đó là mệt lả, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, tiểu ít… đó là các dấu hiệu lâm sàng mà các ông bố, bà mẹ có thể nhận ra trẻ đang có dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu và điều trị kịp thời.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và dự báo các trường hợp mắc bệnh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã triển khai giám sát định kỳ véc tơ sốt xuất huyết tại các huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch nhỏ; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy năm 2022; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo tuyến về công tác phòng, chống dịch tại các huyện, nhất là các huyện trọng điểm về dịch sốt xuất huyết.

HongLien

Related post