Sạc điện thoại có dây đối đầu Sạc điện thoại không dây: Bạn thích tiện dụng hay thể hiện đẳng cấp?
Cách sạc pin điện thoại phổ biến nhất là dùng củ sạc và dây sạc. Nhưng trong vài năm qua công nghệ sạc không dây đã phát triển mạnh mẽ cung cấp một phương pháp mới để nạp pin cho thiết bị di dộng. Vậy sạc không dây và sạc có dây có gì hơn kém nhau?
Sạc có dây – Cách thức sạc điện thoại truyền thống ngày càng được nâng cấp
Lịch sử phát triển điện thoại đã ghi nhận nhiều cuộc chuyển đổi chuẩn cắm sạc điện thoại. Ngày trước sạc điện thoại rất đa dạng, mỗi hãng sản xuất sẽ có một chuẩn sạc riêng. Như Nokia sẽ dùng chuẩn sạc kim, Samsung thì có sạc dẹp,… Cho đến hiện nay thì tất cả đã quy về 3 mối: cổng sạc microUSB (cho các smartphone giá rẻ), cổng sạc USB-C (cho smartphone từ tầm trung đến cao cấp) và cổng Lightning (cho iPhone). Tất cả các chuẩn sạc này đều là sạc có dây.
3 chuẩn sạc có dây phổ biến hiện nay.
Dù điện thoại bạn sử dụng chuẩn sạc có dây nào đi nữa chúng cũng rất phổ biến và thông dụng. Đặc điểm này giúp sạc có dây trở nên quen thuộc và mua được ở ngoài thị trường với giá thành cực kỳ hời nếu như dây sạc của bạn có lỡ bị hỏng. Cáp sạc Lightning hay cáp sạc chuẩn mới USB-C với nhiều mức giá được bán rất nhiều ở các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ và các trang bán hàng qua mạng. Nếu như bạn mua một chiếc điện thoại “sang tay” không có sạc kèm theo thì bạn cũng có thể tìm mua được loại sạc tương thích với máy.
Nói như vậy để các bạn hình dung được sự phổ biến, giá thành rẻ và dễ thay mới của sạc có dây. Đây là điểm mạnh lớn nhất của sạc có dây mà mình và bạn bè mình nghĩ tới đầu tiên.
Có thể mua dây sạc mới với nhiều màu sắc bên ngoài thị trường. (Nguồn: Android Central)
Hầu như trong chúng ta ai cũng có sở thích vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Các hãng điện thoại có lẽ cũng lưu ý điều này mà kèm theo những dây sạc có chiều dài khá lớn. Chính vì vậy mà bạn không cần phải rút sạc ra khi có cuộc gọi đến làm ảnh hưởng quá trình sạc và tuổi thọ pin. Bạn có thể nằm, trườn, ngồi ở mọi tư thế thoải mái nhất để sử dụng điện thoại khi đang sạc. Đây là điểm mạnh thứ hai của sạc có dây mà sạc không dây không thể đáp ứng được.
Với sạc có dây, bạn có thể vừa sạc vừa xài điện thoại. (Nguồn: RawPixel)
Với dây sạc dài, khi sử dụng với pin sạc dự phòng cũng rất thuận tiện. Sạc không dây hiện nay cũng đã có sạc dự phòng đến từ Energizer, bạn vẫn có thể xem phim hay chơi game khi sạc nhưng độ dày của sạc dự phòng cộng độ dày của điện thoại sẽ hơi bất tiện khi sử dụng đó. Chưa kể, với sạc dự phòng có dây, bạn có thể cắm sạc và bỏ điện thoại vào ba lô để tiết kiệm thời gian sạc nhưng với sạc không dây bạn không thể làm được điều này.
Sạc có dây sử dụng với sạc dự phòng rất thuận tiện. (Nguồn: AliExpress)
Với sự hỗ trợ của cổng sạc trên máy và cổng USB-A của dây sạc, nếu như có quên củ sạc ở nhà thì bạn vẫn có thể cắm vào laptop để sạc điện thoại. Song song đó thì cáp sạc điện thoại kiêm luôn chức năng truyền dữ liệu sang máy tính. Mặc dù hiện nay chúng ta có nhiều cách chuyển đổi dữ liệu như Bluetooth, sử dụng phần mềm kết nối điện thoại, ứng dụng bên thứ 3, dữ liệu đám mây,… Nhưng sử dụng phương pháp truyền dữ liệu bằng cáp USB đem đến tốc độ truyền nhanh hơn, cũng như kiểm soát được dữ liệu. Mình nhận thấy mọi người thích phương pháp này hơn.
Cáp sạc có dây còn chức năng truyền dữ liệu sang laptop.
Sự phát triển của chip xử lý, pin và phổ cập của chuẩn sạc USB-C, các nhà sản xuất đã có thể nâng cấp tính năng sạc nhanh cho sạc có dây. Hiện tại công nghệ sạc có dây nhanh nhất đến từ OPPO với SuperVOOC 2.0 có công suất 65W. Với củ sạc này thì đã giúp OPPO Find X2 có dung lượng pin 4.200 mAh sạc 100% pin trong vòng 40 phút.
Sạc không dây hiện tại cũng đã có sạc nhanh, vừa qua Huawei cũng đã giới thiệu đế sạc nhanh không dây công suất 40W. Mẫu smartphone Huawei P40 Pro+ cũng hỗ trợ tính năng này. Nhưng nếu so sánh thì sạc nhanh không dây vẫn chưa đuổi kịp sạc nhanh có dây ở khoản này.
Các hãng đã phát triển nhiều công nghệ nhanh với sạc có dây.
Nhìn qua thì bạn sẽ thấy sạc nhanh là điểm cộng của sạc có dây nhưng trong đó ẩn một điểm trừ. Vì tính năng sạc nhanh này phụ thuộc vào củ sạc, phần tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện, chứ không phù thuộc vào cáp sạc. Lấy ví dụ về củ sạc SuperVOOC 2.0, đây là củ sạc độc quyền của OPPO, nếu có lỡ làm mất củ sạc thì đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất luôn tính năng sạc nhanh. Củ sạc ra đi, cáp sạc ở lại cũng vô nghĩa!
Nhưng phải giữ gìn cẩn thận củ sạc nếu không bạn sẽ mất tính năng sạc nhanh.
Sạc không dây – Mang hơi thở tương lai cùng khát khao của người dùng
Sạc không dây là hình thức sạc bao gồm một đế sạc được cắm điện và bạn chỉ cần đặt thiết bị smartphone có hỗ trợ sạc không dây lên. Hình thức sạc này được đánh giá là rất tiện lợi và mang hơi thở tương lai.
Được phát triển từ năm 2007, cho đến nay chuẩn sạc không dây được sử dụng phổ biến nhất cho điện thoại, đồng hồ thông minh, tai nghe Bluetooth,… là chuẩn sạc Qi.
Chuẩn sạc Qi là chuẩn sạc không dây được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Điều đầu tiên khi nói về sạc không dây đó là đẹp mắt, sang trọng và đầy hơi thở công nghệ. Việc đặt một đế sạc không dây trên bàn làm việc và sạc điện thoại khiến bàn làm việc trở nên hightech và gọn gàng hơn hẳn. Mỗi lần nghe điện thoại bạn không phải khó khăn rút dây sạc ra mà chỉ cần nhấc điện thoại lên rất nhẹ nhàng.
Sạc không dây để trên bàn trông rất “2-tek”.
Món phụ kiện này ngoài chức năng sạc cũng kiêm luôn chức năng trang trí, đỡ phải dây nhợ dài dòng, chỉ cần đế sạc là sạc được (phần dây của đế sạc cũng không quá rườm rà). Một số hãng sản xuất sạc bên thứ 3 cũng đem đến các đế sạc được thiết kế rất bắt mắt với hình vẽ siêu anh hùng hay hiệu ứng ánh sáng phép thuật của Doctor Strange.
Đế sạc không dây này từng rất hot và đến giờ vẫn là mơ ước của nhiều người.
Đặc biệt, các đế sạc không dây còn có thêm chức năng sạc nhiều thiết bị cùng lúc. Lấy ví dụ về đế sạc không dây của Apple, phụ kiện này có thể sạc cùng lúc 3 thiết bị iPhone, Apple Watch và AirPods.
Cảnh tượng này là khát khao của rất nhiều người dùng công nghệ. Việc để một đế sạc không dây với 2 – 3 thiết bị được sạc cùng lúc trên bàn vừa tiết kiệm thời gian sạc, cũng vừa thể hiện được đẳng cấp của người sử dụng.
Mặc dù các loại adapter có dây vẫn thực hiện được điều này nhưng nguồn điện đi vào thấp, cùng với việc chia cho 3 thiết bị cùng lúc sẽ làm giảm tốc độ sạc đi rất lớn.
Dock sạc không dây Apple được rất nhiều người khát khao.
Khi sử dụng sạc không dây thì bạn cũng tránh được các nguy cơ hư cổng sạc. Nếu bạn có tần suất sử dụng điện thoại cao thì sạc pin nhiều lần trong ngày là không thể tránh khỏi. Việc rút và cắm sạc quá nhiều sẽ gây rủi ro về hao mòn cổng sạc.
Những điện thoại hỗ trợ sạc không dây còn có chức năng sạc pin cho nhau. Khi áp mặt lưng hai chiếc smartphone có trang bị sạc không dây vào nhau thì chiếc smartphone nào có phần trăm pin lớn hơn sẽ tự sạc cho chiếc còn lại. Đây cũng là một điểm mạnh của sạc không dây, nếu như bạn quên cáp sạc ở nhà thì đây cũng là một giải pháp cứu cánh.
Sạc ngược không dây trên Samsung Galaxy S10+.
Nhưng sạc không dây cũng tồn tại một số điểm thua kém so với sạc có dây. Hầu như chỉ có những mẫu điện thoại flagship chỉ được hỗ trợ tính năng sạc không dây nên cho dù bạn có khát khao công nghệ này đi nữa thì cũng không sử dụng được.
Điều này chứng tỏ rằng nên tính đại trà của sạc không dây không cao, vì vậy giá thành của sạc không dây cũng cao. Nhưng một phần vì đây cũng là công nghệ mới.
Có nhiều tin đồn cho rằng iPhone 2020 sẽ bỏ đi cổng sạc Lightning và chuyển sang sạc không dây. Nếu là sự thật thì động thái này khiến người dùng phải chi nhiều tiền hơn rồi.
Sạc không dây chỉ xuất hiện trên những flagship.
Việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại không khả dụng khi sử dụng sạc không dây. Khi sạc bạn phải đặt máy lên đế sạc, khi nghe điện thoại bắt buộc bạn phải nhấc máy khỏi đế sạc, điều này sẽ ảnh hưởng quá trình sạc.
Chưa kể đến việc đế sạc không dây rất to cho nên việc di chuyển đế sạc cũng rất khó khăn. Củ sạc có dây thông thường rất nhỏ nên dễ dàng bỏ ba lô hoặc túi chéo. Đế sạc không dây thì có kích thước to hơn rất nhiều cộng thêm mớ dây dài ngoằng khiến cho việc bỏ túi chéo là không thể.
Các loại sạc không dây khá cồng kềnh.
Vậy bạn sẽ lựa chọn giá trị nào?
Sạc có dây hay sạc không dây đều có giá trị riêng và quan trọng như nhau. Một bên là sự truyền thống đi theo năm tháng, một bên là hơi thở tương lai. Bên nào cũng có được chỗ đứng nhất định trong thế giới công nghệ.
Đối với mình thì mình thích những gì thuận tiện và khả dụng cho hoạt động hằng ngày hơn và sạc có dây đáp ứng được điều đó. Có thể các bạn sẽ nói mình lạc hậu nhưng sạc không dây suy cho cùng vẫn phải cắm vào ổ điện nên thôi sử dụng sạc có dây cho lợi.
Còn bạn thì chọn loại sạc nào? Comment ý kiến bên dưới nhé!
Mình cũng có câu hỏi cho các bạn. Nếu một chiếc điện thoại vừa có cổng sạc, vừa được hỗ trợ sạc không dây mà nếu sạc không dây có hư đi thì bạn sẽ mua một đế sạc không dây mới hay quay về sạc có dây? Và nếu một chiếc điện thoại xuất xưởng mà không có cống sạc truyền thống liệu bạn có mua hay không?