Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

 Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Từ trước đến nay smartphone màn hình cảm ứng thường (dạng thanh) đã quá quen thuộc. Trong khoảng cuối 2019 đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của các smartphone màn hình gập. Vậy đâu là sự khác biệt giữa smartphone sử dụng màn hình cảm ứng thường mà smartphone màn hình gập?

Smartphone màn hình thường – Trường tồn theo thời gian?

Mặc dù điện thoại màn hình cảm ứng thường (dạng thanh) đã có từ lâu nhưng khi Steve Jobs (cố CEO của Apple) giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 thì đây cũng là phát súng mở màn cho sự lên ngôi của dòng điện thoại sử dụng công nghệ cùng thiết kế này.

Dù trước đó, các nhà sản xuất và người dùng vẫn còn ưa chuộng và trung thành với những mẫu điện thoại nắp gập, nắp trượt hoặc dạng thanh với bàn phím T9 hay bàn phím QWERTY. Bên cạnh đó, một vài mẫu điện thoại cũng có màn hình cảm ứng dạng thanh xuất hiện trước thời của iPhone có thể nói đến như O2 hay Pocket PC (không hẳn là điện thoại).

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

iPhone thế hệ đầu đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại.

Người ta yêu thích điện thoại màn hình cảm ứng dạng thanh trong nhiều năm qua vì nhiều yếu tố khác nhau. Lý do lớn nhất vì smartphone dạng thanh là kiểu dáng dễ sử dụng và thiết thực nhất, giá trị nguyên bản hơn một thập kỷ qua không đổi dời được.

Với lợi thế về thiết kế, những chiếc điện thoại cảm ứng dạng thanh được tích hợp cảm biến vân tay ở mặt sau hay trong màn hình và camera trước để mở khóa bằng gương mặt để thực hiện mở khóa màn hình rất nhanh. Ngay trong điều này thôi chúng ta cũng đã thấy được sự tiện lợi và quen thuộc mà một chiếc điện thoại cảm ứng dạng thanh mang lại.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Smartphone dạng thanh có rất nhiều cách mở khóa màn hình nhanh.

Khả năng bảo vệ màn hình với những phụ kiện bên ngoài cũng khả dụng trên smartphone màn hình cảm ứng thường. Khi tìm hiểu thông tin về một chiếc smartphone nào đó, bạn cũng đều thấy rằng tấm nền cảm ứng được phủ lên bởi kính cường lực Corning Gorilla Glass. Những smartphone tầm trung đến cao cấp đều được trang bị lớp kính này. Gorilla cũng nâng cấp kính cường lực của mình lên thế hệ mới nhất là thế hệ 6 và được trang bị rộng rãi trên các smartphone cao cấp.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Kính cường lực Gorilla Glass 6 bảo vệ màn hình rất tốt.

Ngoài việc nhà sản xuất bảo vệ điện thoại của họ thì người dùng cũng tăng cường bảo vệ và bảo mật bằng các loại miếng dán màn hình và miếng dán chống nhìn trộm. Thiết kế của smartphone dạng thanh rất phù hợp với việc này. Và đây cũng là điều chưa thấy trên các smartphone màn hình gập.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Với smartphone màn hình thường, người dùng hoàn toàn vô tư dán màn hình.

Đi cùng sự quen thuộc bao nhiêu năm qua trên smartphone dạng thanh, các nhà sản xuất cũng phát triển thêm màn hình cạnh cong. Đi từ cong 2.5D, rồi đến cạnh cong nhẹ và cong tràn viền như dòng Samsung Galaxy Note hay mới đây là Huawei Mate 30 Pro hay OPPO Find X2 / X2 Pro…

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Nhưng smartphone được hỗ trợ màn hình cong.

Với smartphone màn hình cảm ứng dạng thanh, các nhà sản xuất cũng tha hồ nâng cấp độ phân giải màn hình lên rất cao, hiện tại đã có thể lên đến độ phân giải 4K. Cùng với màn hình độ phân giải cao, hãng cũng có thể trang bị tốc độ làm tươi màn hình lên đến 120Hz đem đến trải nghiệm lướt, vuốt mượt mà hơn và chơi game mướt mắt.

Xem thêm: Màn hình làm tươi 120Hz là gì?

Điều thiết thực nhất và nhiều người quan tâm nhất là giá bán. Điện thoại màn hình cảm ứng thường hiện nay có giá từ rất rẻ (dưới 2 triệu) cho những smarphone giá rẻ đến rất cao (trên 30 triệu) cho những flagship mới ra. Tuy nhiên chưa có giá smartphone nào có giá bán đến 50 triệu như Samsung Galaxy Fold.

Mà nếu lỡ có xui xẻo làm rơi vỡ thì bạn vẫn có thể nhanh chóng đem máy đi ép kính hoặc thay mới lớp kính đó. Nếu còn bảo hành thì đem ra hãng, nếu hết hạn bảo hành thì những tiệm thay kính màn hình mọc đầy đường cho bạn tha hồ lựa chọn. Chi phí cho một lần ép kính từ 350.000 – 500.000 và 1 – 2 triệu cho thay kính trên những điện thoại tầm trung. Còn đối với những dòng flagship hay màn hình cong thì chi phí có cao hơn nhưng vẫn có thể thay được dễ dàng.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Rơi vỡ cỡ nào thì smartphone màn hình cảm ứng thường vẫn có thể thay mới kính được.

Bên trên là những ưu điểm của smartphone màn hình cảm ứng thường. Nhưng không có gì là hoàn hảo cả, smartphone dạng thanh đang bị một vướng mắt: Kích thước.

Mặc dù trong 2 – 3 năm qua, các nhà sản xuất smartphone đã cố gắng tối ưu hóa kích thước các sản phẩm của họ bằng việc thay đổi tỉ lệ màn hình hay sử dụng việc tăng tỷ lệ khả dụng ở mặt trước và tạo ra những chiếc điện thoại có phần mặt trước cảm ứng vô cùng đẹp với tên gọi màn hình tràn viền. Nhưng đến một thời điểm nào đó, kích thước điện thoại sẽ quá to và không còn để vừa túi quần của bạn nữa.

Tối ưu hóa kích thước tổng thể là điều mà các smartphone màn hình dẻo đã làm được.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Kích thước smartphone ngày càng to ra nên khó khăn trong việc đút túi quần.

Smartphone màn hình gập – Giá trị tương lai đang hướng tới?

Trước khi xuất hiện của các smartphone màn hình gập 180 độ như hiện nay thì ngành công nghiệp smartphone cũng đã chứng kiến sự ra mắt của những mẫu điện thoại màn hình cong. Có thể kể đến cái tên như Samsung Galaxy Round (2013) hay LG G Flex (2013) / G Flex 2 (2015) đã gây được tiếng vang trong thời gian đó. Nhưng mình không nghĩ công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ đến như vậy.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Samsung Galaxy Round và LG G Flex, 2 mẫu smartphone tiên phong với màn hình cong đầu tiên.

Từ 2019 đến nay đã có nhiều tin đồn và hình ảnh concept về smartphone màn hình gập của Samsung, Huawei, Xiaomi và OPPO. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể thấy sự bùng nổ thực sự khi Samsung thương mại hóa Galaxy Fold, tiếp sau đó là Galaxy Z Flip. Song song đó là những cái tên như Huawei Mate X / Mate Xs và Motorola Razr cũng được thương mại hóa, biến những concept tưởng như chỉ nằm trên giấy thành hiện thực.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Cột bên trái: Samsung Galaxy Fold, Huawei Mate X. Cột bên phải: Samsung Galaxy Z Flip, Motorola Razr.

Nói về sự tối ưu thiết kế để mang đến một chiếc điện thoại màn hình lớn nhưng tổng thể gọn gàng thì đây là điểm mạnh tuyệt đối của điện thoại màn hình dẻo. 

Điển hình với, Samsung Galaxy Fold có màn hình bên ngoài khi đang gập lại là 4,6 inch nhưng khi mở ra thì màn hình bên trong lên đến 7,3 inch tức gần bằng một chiếc máy tính bảng. Hay điện thoại vỏ sò Samsung Galaxy Z Flip có màn hình thực tế 6,7 inch nhưng nhờ khả năng uốn cong nên kích thước tổng thể chỉ còn 1 nửa và gần tương đương một chiếc hộp phấn trang điểm.

Bên cạnh đó, hãy nói về cảm nhận sử dụng. Smartphone màn hình gập thật sự rất sáng tạo về kiểu dáng cũng như thể hiện được công nghệ của nhà sản xuất. Sự ra mắt của những smartphone màn hình gập như một ly cocktail giải tỏa cơn khát thiết kế smartphone của người dùng.

Cảm giác mở nắp chiếc Samsung Galaxy Z Flip khiến mình nhớ về những chiếc điện thoại vỏ sò 10 năm về trước. Mặc dù ngoại hình có khác nhưng việc mở nắp điện thoại cho mình nhiều hoài niệm. Và mình tin nếu có cơ hội sử dụng những mẫu smartphone màn hình gập này bạn cũng sẽ có cảm giác này.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Cảm giác gập mở Galaxy Z Flip gợi nhiều ký ức.

Samsung Galaxy Fold có màn hình nhỏ ở phía trước, có thể 180 độ theo chiều ngang. Khi mở ra thì chúng ta vừa có một chiếc smartphone vừa có một chiếc máy tính bảng.

Đến Samsung Galaxy Z Flip và Motorola Rarz thì đã tối ưu hóa được kích thước tổng thể. Máy gập theo chiều dọc nên khi gập lại máy có kích thước nhỏ nhắn như một hộp phấn.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Galaxy Z Flip khi gập lại rất dễ nhút vào túi quần jeans.

Nếu như smarphone dạng thanh là giá trị trường tồn theo thời gian, thì smartphone màn hình gập là giá trị đang hướng tới trong tương lai. Đẹp, sang, dẫn đầu xu hướng công nghệ và tôn vinh đẳng cấp là những gì mà smartphone màn hình gập mang đến.

Hiện tại chúng ta khó có thể bắt gặp hình ảnh người dùng smartphone màn hình gập ngoài đường. Cho nên sự độc đáo của điện thoại màn hình gập mang lại là không thể chối từ. Thử tưởng tượng xem nếu bạn đang trong quán cà phê hay đi chơi với hội bạn, mà cầm Samsung Galaxy Z Flip ra mở màn hình, thì bao nhiêu ánh mắt thèm thuồng sẽ đổ dồn về phía bạn đấy. 

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Samsung Galaxy Z Flip với vẻ ngoài bóng loáng sang chảnh cùng thiết kế gập đẳng cấp khi trên tay.

Do sự hạn chế về công nghệ, nên vẫn chưa có kính cường lực để bảo vệ tấm nền cảm ứng của smartphone màn hình gập. Samsung Galaxy Z Flip thì màn hình được hoàn thiện chất liệu kính siêu mỏng (Ultra Thin Glass) nhưng chất liệu này không bền tí nào và rất dễ tổn thương trong những thử nghiệm cơ bản nhất của kênh Youtube JerryRigEverything.

Nhưng hy vọng trong tương lai, các nhà sản xuất sẽ cho ra những công nghệ kính hay miếng dán có thể uốn cong để bảo vệ smartphone màn hình gập.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Bài test ở mức độ 2 (mức độ nhẹ nhất) nhưng Galaxy Z Flip đã bị sọc màn hình.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Samsung Galaxy Z Flip cũng rất dễ trầy xước.

Do yếu tố vật liệu cấu thành nên smartphone màn hình gập có nếp gấp trên màn hình. Nếp gấp này mình thấy trên Z Flip còn nặng hơn trên Galaxy Fold. Mặc dù ở góc nhìn của người khác từ bên ngoài bạn sẽ không nhận thấy được nếp gấp nhưng khi sử dụng một vài lần đầu sẽ không đem lại cảm giác trơn tru khi vuốt màn hình. Nhưng mình nghĩ điều này sẽ quen hơn nếu sử dụng trong thời gian dài.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Nếp gấp màn hình cũng hiện rõ.

Lo ngại tiếp theo là về tuổi thọ bản lề. Trang tin CNET đã đưa Motorola Razr vào thử nghiệm bằng máy đóng mở tự động. Chỉ sau hơn 27.000 lần, smartphone màn hình gập của Motorola đã hỏng. Còn với Samsung Galaxy Fold thì số lần gập lên đến 119.380 lần. Khi ra mắt Galaxy Z Flip, Samsung công bố rằng sản phẩm của họ sẽ có thể gập mở được 200.000 lần. 

Giả sử mỗi ngày chúng ta gập mở điện thoại 100 lần/ngày thì Motorola sẽ chỉ sử dụng được khoảng 1 năm là toi đời, còn Galaxy Fold sẽ là 3 năm và Galaxy Z Flip là 5 năm. Thời gian sử dụng 3 – 5 năm còn chấp nhận được chứ 1 năm thì quá thấp cho một sản phẩm có giá bán đắt xắt ra miếng.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Bản lề Motorola Razr bị hỏng sau 27.000 lần gập.

Vì là công nghệ mới nên sẽ cần nhiều chi phí cho việc nghiên cứu sản phẩm do đó sẽ đội chi phí sản xuất lên cao. Vì lý do đó mà giá bán của những thiết bị smartphone màn hình gập rất đắt đỏ. Cụ thể, thời điểm ra mắt Galaxy Fold có giá gần cả trăm triệu đồng còn hiện tại thì được bán với giá 50 triệu đồng, Galaxy Z Flip hiện tại được bán với giá 36 triệu đồng. Motorola Razr không được bán tại Việt Nam nhưng theo tỉ giá quy đổi thì thì khoảng 35 triệu đồng, Huawei Mate X thì gần 60 triệu đồng.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Giá bán ra mắt của Samsung Galaxy Z Flip trên cả ngàn đô.

Giá bán như muốn cắt cổ người dùng cũng kèm theo chi phí sửa chữa cao ngút trời. Bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền gấp nhiều lần tiền thay kính smartphone thông thường. Chưa kể đến việc đây là công nghệ mới nên bạn chỉ có thể đem lên hãng bảo hành chứ không thể sửa ở bất cứ nơi nào khác.

Mặc dù vậy nhưng sở hữu một em máy như thế mình vẫn thấy xứng đáng vì được trải nghiệm một công nghệ mới là và thiết kế độc đáo. Tiền nào của nấy mà phải không các bạn?

Vậy bạn sẽ chọn màn hình nào?

Ngày bé khi sử dụng các mẫu điện thoại nắp gập hay nắp trượt của ba mẹ mình thấy rất thích nên ký ức về việc gập mở điện thoại vẫn còn in đậm trong mình. Do đó khi cầm đến Galaxy Z Flip hay Galaxy Fold mình vẫn giữ được sự hào hứng vốn có. Để hỏi mình có thích các thiết kế này không, mình xin trả lời là có. Nhưng nếu hỏi có muốn sử dụng luôn không, mình xin trả lời là không.

Smartphone màn hình thường vs Smartphone màn hình gập

Smartphone dạng thanh vẫn đem lại nhiều cảm xúc khi sử dụng hơn.

Có lẽ do sử smartphone dạng thanh trong thời gian quá lâu nên sự tiện lợi không thể thay thế được mà chúng mang lại mình không thể phủ nhận được. Hiện tại hầu như tất cả trong chúng ta đều cần một thiết bị dễ sử dụng, cấu hình cao, phục vụ nhu cầu hằng ngày phù hợp tài chính bản thân hơn là một thiết bị không quá bền bỉ mà lại quá đắt đỏ. Cho nên trong thời điểm hiện tại mình sẽ không chọn smartphone màn hình gập.

Đó là ý kiến của mình, còn nếu là bạn thì bạn sẽ lựa chọn smartphone màn hình thường hay smartphone màn hình gập? Để lại ý kiến dưới phần bình luận cho mình biết nhé!

À, nếu bạn là có tiền nhiều không biết để làm gì thì thử tậu một trong những smartphone màn hình gập mình đề cập ở trên về trải nghiệm thử đi nhé!

DakLak360

Related post