Nan giải công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Ea Bung
Hàng trăm héc-ta đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp) bị lấn chiếm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, người dân không hợp tác với các cơ quan chức năng để bàn giao đất, khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2012 đến năm 2015, UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát 714,3 ha đất và rừng thuộc tiểu khu 267, 268 (xã Ea Bung) để thực hiện dự án đầu tư cải tạo rừng, khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có nhiều vi phạm trong thực hiện dự án, buông lỏng quản lý, để người dân đổ xô vào lấn chiếm, sang nhượng, buôn bán đất tràn lan. Do đó, năm 2017, tỉnh đã thu hồi dự án và giao cho UBND xã Ea Bung tiếp nhận, quản lý khu đất này.
Điều đáng nói là địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc quản lý, sử dụng đất do nhiều diện tích đã bị người dân lấn chiếm trước đó. Cụ thể, khu vực này có 538,4 ha bị người dân lấn chiếm để trồng điều, bắp, mỳ (tiểu khu 267 bị lấn chiếm 296,4 ha; tiểu khu 268 bị chiếm 231 ha). Những diện tích này bị lấn chiếm bởi 101 hộ dân tại huyện Ea Súp và các địa phương khác, kể cả người ngoại tỉnh. Trên diện tích này, người dân đã dựng 65 lều chòi tự phát.
Trước tình trạng lấn chiếm đất diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa bàn, năm 2019 huyện Ea Súp đã triển khai công tác thu hồi đất lấn chiếm tại xã Ea Bung. Kế hoạch này được triển khai gồm 10 bước, trong đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thống kê rà soát diện tích, xác định vị trí, thời điểm lấn chiếm rồi tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện trả lại đất. Nếu người dân không hợp tác mới tiến hành các bước lập hồ sơ, xử lý thu hồi theo quy định. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã cam kết tự nguyện trả lại đất nhưng yêu cầu bồi thường, hỗ trợ; một số hộ chống đối lực lượng chức năng nên chính quyền địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp. Đến nay, huyện Ea Súp đã thực hiện xong 5 bước và đang triển khai bước 6 là lập hồ sơ vi phạm và xử lý theo quy định đối với các trường hợp không trả lại đất. Hiện địa phương đã tiến hành lập hồ sơ vi phạm đối với 17 trường hợp lấn, chiếm đất.
Theo UBND huyện Ea Súp, công tác xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất tại tiểu khu 267 và 268 hiện gặp rất nhiều khó khăn. Những người có hành vi lấn chiếm đất đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, một số người không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông nên việc khai thác thông tin của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình lập hồ sơ vi phạm, nhiều đối tượng không hợp tác cung cấp thông tin, một số trường hợp khi làm việc với cơ quan chức năng không mang theo giấy tờ nhân thân, khai tên, tuổi, địa chỉ không rõ ràng. Với những trường hợp này, địa phương thực hiện xử lý vi phạm vắng mặt theo quy định. Tuy nhiên, việc này khó thực hiện vì ngoài xác định đúng họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm, còn phải xác định đúng, rõ vị trí, diện tích, nguồn gốc đất lấn chiếm và người làm chứng. Ngoài ra, địa bàn đang mùa mưa trong khi địa hình thấp trũng, nước từ các nơi đổ dồn về nên rất nguy hiểm cho những người thực thi nhiệm vụ được giao. Mặt khác, diện tích đất bị lấn chiếm lớn, cách khu dân cư 35 km, sóng điện thoại không ổn định, gây bất lợi cho đoàn công tác khi tiếp cận, xử lý. Về phía xã Ea Bung cũng đã thành lập một tổ công tác do lãnh đạo UBND xã chỉ huy cùng với các lực lượng công an, quân sự, các đoàn thể của địa phương để tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm và phát hiện, ngăn chặn người dân vào rừng để lấn chiếm, khai hoang thêm.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi diện tích đất bị người dân lấn chiếm tại tiểu khu 267, 268 do UBND xã Ea Bung quản lý, UBND huyện Ea Súp đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ địa phương về công tác chuyên môn trong việc lập hồ sơ vi phạm và xử lý vi phạm, để sớm thu hồi đất theo quy định.
Minh Thông – Minh Thuận (Báo Đăk Lăk)