Kinh tế hàng rong mà gọi là ký sinh trùng?
Mình muốn các bạn xem một đoạn thời sự bên dưới, trước khi đọc bài viết này
Có lẽ mình cố gắng trở thành vô ngã, nhưng “nhân tình thế thái” mình không thể vô ngã được. Nhưng mình quyết định rồi mình sẽ không vô ngã (vì có cảm xúc) chứ không thể vô cảm.
Kinh tế hàng rong là một thực thể văn hóa của người Việt, nay lại đem ra thóa mạ không thương tiếc là “ký sinh trùng”.
Từ những gánh hàng rong này đã cưu mang bao nhiêu số phận con người trong gia đình, từ học hành, từ chăm sóc sức khỏe, khi mà nhà nước không thể cung cấp giáo dục và y tế miễn phí. Mình cũng không hiểu tại sao người ta lại ví những người này là ký sinh trùng?
Không phải ai cũng làm việc trong khu vực chính thức. Cách nói kỳ thị của người xướng ngôn viên, biên tập và chương trình sao mà chua xót và đau đớn quá! Chính khu vực phi chính thức, trong đó có kinh tế hàng rong đóng góp cho đô thị một cách đáng kể trong việc tạo việc làm, phát triển dịch vụ bán lẻ, hấp thu lao động dư thừa nông thôn, xử lý hàng tái chế, chất thải. Tất cả làm nên thực thể, diện mạo, dung nghi hay cái hồn của thành phố, văn hóa thành phố.
Hàng rong có 2 loại: cố định và di động.
Cố định thì cũng có thể thay đổi từ sáng cho đến tối. Buổi sáng, thì trên con phố đó bán xôi, bán cháo, bán bún riêu; nhưng buổi trưa thì cũng trên con phố ấy bán nước giải khát; và buổi tối thì cũng trên con phố ấy bán bánh tráng trộn, trà sữa, bắp nướng.
Còn bán rong di động thì có (1) truyền thống thì quang gánh, thúng xách bên hông hay đội trên đầu; (2) còn bán rong phi truyền thống thì xe đẩy (trái cây, hột vịt lộn), xe đạp, xe thồ, xe ba gác.
Những người phụ nữ thì thường bán rong truyền thống và mặt hàng bán đa dạng phong phú, vì họ chịu thương, chịu khó. Hình ảnh “lưng mẹ còng, để cho lưng con được thẳng” của bà mẹ cũng từ đây mà ra. Cha mẹ của anh xướng ngôn viên cũng có thể không từ đây mà ra, nhưng đừng bao giờ lấy hệ quy chiếu của mình, mà đi soi cả thiên hạ, mà đành đoạn gọi là “ký sinh trùng”?
Khu vực cầu Ông Lãnh thường là nơi tụ tập những người bán rong di động. Nói là bán rong di động, chứ họ cũng phân chia khu vực để đi. Mà sức đâu để đi hết chứ! Nơi họ ở là một căn nhà tồi tàn. Ba, bốn chục người vào một căn nhà, chỉ có một toilet. Họ xếp hàng để tới lượt. Khi mình hỏi họ là thích trả tiền trọ theo tháng hay theo ngày? Họ thích được trả theo ngày, bởi vì theo họ, khi bán thông tầm, thì họ ở thêm bên ngoài một chút để tiết kiệm tiền trọ một ngày. Tất cả số tiền họ có là lo cho con, cho gia đình, họ biết sự “rày đây mai đó” của là vất vả, cực nhọc, rủi ro (tai nạn xe cộ, công an, bất lương trộm hàng), họ cũng chấp nhận, cũng hy sinh. Họ không có một lựa chọn nào khác. Sao anh xướng ngôn viên gọi họ là “ký sinh trùng”?
Niềm vui và nỗi buồn của họ thì thật là giản đơn. Bán được hàng thì họ vui và không bán được hàng thì họ buồn. Họ không có những cung bậc cảm xúc đa dạng, phong phú như nhóm người trí thức. Mình cũng phỏng vấn họ về vui buồn, thì họ thường nói buồn nhiều hơn vui. Vui là có tiền, nhưng buồn thì không ở bên gia đình, không được đi học. Anh xứng ngôn viên mà chửi họ, họ cũng không phản kháng gì đâu. Họ không được ăn học đàng hoàng như anh mà nói lại đâu. Hơn nữa, họ đi bán hàng, thì “nhẫn nhịn” như một chế độ mặc định cài đặt trong họ. Sự nhẫn nhịn từ trong tiềm thức.
Những người bán rong di động luôn lấy hàng loại hai, loại ba mà bán, chứ lấy hàng loại một, thì người thành thị cũng trả giá ép xuống thấp. Bán không hết hàng và hàng xuống cấp thì khổ thân. Họ rất sợ không bán được hàng. Mình nhớ về những buổi chiều, các em bé cầm xấp vé số trên tay, chạy hớt ha, hớt hãi, mặt xanh mét, hai hành nước mắt năn nỉ: “Chú ơi! Chú mua giùm con đi! Sắp xổ số rồi! Con mất hết vốn liếng rồi!”. Tại sao anh xướng ngôn viên nói là “ký sinh trùng”? Hình như mình cũng là một con người, nên có chút giận. Chưa đi vào vô ngã được. Mình có chút buồn là sao anh lại vô cảm đến như vậy, chúng tôi thường nói với nhau rằng tâm hồn chai sạn, chết lâm sàng. Nơi lạnh nhất không phải là nam cực hay bắc cực, mà là nơi không có tình người.
Sau cùng, mình cũng xin nhà phật tha thứ cho những suy nghĩ vô minh của con người khi này khi khác và lúc này lúc khác. Mình cũng xin nhà phật tha thứ cho những cảm xúc, xem thế giới giả hợp này là sự thật mà đưa cảm xúc vào.