Chanh leo phủ đại ngàn: Giá tốt lại không lo tiêu thụ, dân đua nhau mở rộng diện tích

 Chanh leo phủ đại ngàn: Giá tốt lại không lo tiêu thụ, dân đua nhau mở rộng diện tích

Hiện nay chanh leo được trồng xen trong các vườn cà phê, cao su, sầu riêng những năm đầu. Ảnh: Quang Yên.

Trước việc quả chanh leo tươi được xuất sang Trung Quốc, người dân đang mở rộng diện tích trồng. Việc này giúp chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Trồng xen trong vườn cây

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt – Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện nay trên địa bàn có hơn 1.000ha chanh leo. Tuy nhiên, số lượng chanh leo được người dân trồng xen trong các vườn cây cà phê, sầu riêng, cao su ở những năm đầu có thể nhiều hơn.

Gia đình bà Cao Thị Mai (ngụ xã Chư Kpô, huyện Krông Búk) có gần 3ha chanh leo được trồng trong các rẫy cà phê đang cho thu hoạch. Theo bà Mai, chanh leo tại Đăk Lăk được trồng phổ biến trên diện tích rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 3 – 4 năm nay.

“Chanh leo chi phí đầu tư thấp và dễ chăm sóc. Mỗi ha cho thu hoạch 50 tấn/năm, mang lại lợi nhuận cao hơn những cây trồng khác. Hiện ở địa phương cây chanh leo có thể nói là nguồn thu chính, hơn cả cây cà phê”, bà Mai nói.

Người phụ nữ này cho biết thêm, gia đình đã tham gia hợp tác xã (HTX) chanh leo trên địa bàn nên sẽ tuân thủ các quy trình sản xuất của đơn vị này đưa ra. “Khi tham gia HTX thì chúng tôi không lo về đầu ra nên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Tôi nghĩ trong thời gian tới chanh leo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân tại Đăk Lăk”, bà Mai nói thêm.

Ông Đinh Xuân Hưởng, Phó Giám đốc HTX Chanh leo Công nghệ cao Krông Búk cho biết, cây chanh leo phát triển tại địa phương từ năm 2004. Thời điểm này diện tích chanh leo mới trồng nhỏ lẻ, nhưng những năm sau thì mới được đầu tư mạnh.

Theo ông Hưởng, mỗi năm chanh leo cho thu hoạch 2 vụ với sản lượng 50 tấn/ha. Với giá bán hiện nay thì người trồng chanh leo có thu nhập cao. Năm nay giá bán từ 15.000 – 16.000 đồng/kg nên người dân đang đổ xô trồng chanh leo.

“Cây chanh leo được trồng xen trong những vườn cây dài ngày. Tôi ước diện tích tại Krông Búk trên 1.000ha. Hiện HTX mới thành lập nhưng số lượng thành viên hơn 200 người, với diện tích 200ha. Sắp tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo vì đất còn nhiều, rất phù hợp với việc canh tác loại cây này”, ông Hưởng nói.

Trước việc Trung Quốc cho nhập khẩu quả chanh leo tươi, người dân đang mở rộng diện tích. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban kiểm soát HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân cho biết, đơn vị có hơn 200 thành viên với diện tích chanh leo khoảng 50ha.

Để đảm bảo đầu ra, hiện HTX Vạn Xuân đang liên kết với một đơn vị bao tiêu sản phẩm nên không lo về việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Tiến, trước đây huyện Cư Kuin nổi tiếng về tiêu nhưng những năm qua tiêu chết hàng loạt và mất giá. Do đó, HTX Vạn Xuân khuyến khích các thành viên tận dụng những diện tích này để chuyển đổi sang trồng chanh leo.

“Chúng tôi cũng thống nhất với đơn vị bao tiêu sản phẩm là mở rộng thêm diện tích trong năm tới thêm 70ha. Mặc dù mở rộng diện tích nhưng HTX vẫn khuyến cáo bà con làm đúng theo quy trình kỹ thuật của đơn vị thu mua đưa ra nằm đảm bảo quả chanh leo được xuất khẩu”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tận dụng diện tích đất trống

Đăk Lăk có tiềm năng, lợi thế lớn về nông nghiệp, với 650.000ha đất canh tác, đặc biệt là hơn 300.000ha đất đỏ bazan, địa hình bằng phẳng rất thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, dược liệu.

Hiện nay, địa phương đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi giá cà phê, cao su và hồ tiêu trong những năm gần đây giảm mạnh, trong đó có những diện tích đất trồng cà phê và hồ tiêu không hiệu quả.

Chanh leo đang mang lại hiệu quả cao cho người dân tại Đăk Lăk. Ảnh: Quang Yên.

Tại Đăk Lắk, mỗi năm người dân trồng chanh leo có thể thu hoạch 50 tấn/ha với giá bình quân 10.000 đồng/kg nên thu nhập rất cao. Hiện nay chanh leo mang lại thu nhập ổn định, cao hơn so với các cây trồng khác.

Người dân đang dần chuyển sang trồng những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế cho những vùng đất canh tác cây cà phê, cao su và cây tiêu kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, vừa qua UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhằm giúp sản phẩm nông nghiệp địa phương tiêu thụ tốt.

Trong quá trình canh tác thì ngành nông nghiệp nhận thấy cây chanh leo có nhiều lợi thế. Thứ nhất là cây chanh leo phù hợp với địa phương, thứ 2 là tận dụng được những điều kiện sẵn có của vườn tiêu, thứ 3 là hiệu quả kinh tế từ vườn chanh leo mang lại rất cao.

Trước việc tăng nhanh, UBND huyện Cư Kuin đã có ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có quả chanh leo. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin hiện nay là quy hoạch vùng, phát triển vùng để hình thành nên các tổ chức nông dân.

“Trong thời gian tới, Phòng NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả tại xã Cư Êwi và Ea Hu sang các loại cây trồng khác, trong đó có chanh leo. Việc này nhằm tận dụng những khu vực đất còn trống hoặc không phù hợp với cây trồng hiện tại”, ông Minh nói.

Phát triển chanh leo giúp tận dụng được thế mạnh đất đai tại Đăk Lăk. Ảnh: Quang Yên.

Còn theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cây chanh leo mới có mặt tại địa phương nhưng có nhiều lợi thế để phát triển nhanh. Cụ thể, chanh leo dễ trồng, dễ chăm sóc cũng như thu hoạch. Chanh leo không cần đầu tư nhiều và có thể trồng xen canh hoặc tập trung.

“Nếu như chanh leo giá bán cao thì sẽ phát triển nhanh chóng. Khi đó người dân sẽ tập trung cho việc sản xuất chanh leo trên những diện tích tái canh cà phê, cà phê không hiệu quả và những diện tích trồng cây ăn quả ở những năm đầu. Thực tế những năm qua chanh leo phát triển rất nhanh. Đặc biệt vài năm gần đây đã có nhà thu mua, chế biến nên diện tích chanh leo phát triển rất mạnh.

Quan điểm của tỉnh muốn nâng cao thu nhập cho người dân, tận dụng được đất đai, lao động địa phương. Do đó, chúng tôi khuyến kích phát triên cây chanh leo nhưng ở mức độ vừa phải để tận dụng được thế mạnh đất đai”, ông Côn chia sẻ.

Theo ông Côn, địa phương chưa có nhà máy sơ chế, chế biến chanh leo. Tuy nhiên vừa qua Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi nên có thể nói đây là động lực để thúc đẩy mặt hàng nông sản này phát triển.

“Để ngành nông nghiệp bền vững thì cũng phải tiến đến đầu tư, xây dựng các kho bảo quản, nhà máy chế biến. Việc này không thể làm riêng cho chanh leo mà sẽ kết hợp với những mặt hàng khác. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện cho cây chanh leo phát triển”, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk chia sẻ.

Minh Quý – Đăng Lâm (Báo Nông Nghiệp)

HongLien

Related post