Các tỉnh, thành phố phía Nam cần hơn 140.000 lao động

 Các tỉnh, thành phố phía Nam cần hơn 140.000 lao động

Người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương. (Ảnh minh hoạ)

Sở Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, từ ngày 1/4 – 31/10, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận khoảng 150.000 người dân từ các địa phương trở về tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 138.440 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, có hơn 57.000 lao động trở về từ tỉnh Bình Dương, gần 35.000 lao động trở về từ TP. Chí Minh và tỉnh Đồng Nai là 33.000 người.

Hiện nay đã có khoảng 5.000 người lao động đăng ký trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dự kiến sau Tết có khoảng 20.000 người.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn với UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương từ ngày 2-3/12, trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000 lao động làm việc ở các lĩnh vực: may mặc, giày da, cơ khí, điện – điện tử, chế biến thực phẩm; tỉnh Đồng Nai, cần khoảng 40.000 lao động; tỉnh Bình Dương thiếu khoảng 40.000 lao động.

Để kêu gọi người lao động trở lại làm việc, ngoài thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động như: tăng lương (trung bình 7 – 9 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tăng ca), hỗ trợ, giảm từ 30 – 50% tiền thuê nhà, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, ưu tiên tiêm vắc xin; có chủ trương xây dựng 80.000 chỗ ở (TP. Hồ Chí Minh), xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động (tỉnh Bình Dương)…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lao động đăng ký trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn hạn chế vì hiện nay, tỉnh đang vào mùa vụ thu hoạch cà phê nên người lao động ở lại làm và ăn Tết với gia đình. Mặt khác, người lao động còn e ngại dịch bệnh, không an tâm vì các trường ở các tỉnh, thành phía Nam chưa dạy học trực tiếp.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp, thống kê nhu cầu việc làm của người lao động trở về địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách của các doanh nghiệp, địa phương phía Nam để người dân biết; xây dựng chương trình, ký kết thỏa thuận hợp tác thông tin, tuyển dụng lao động… Đồng thời đề xuất Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo để có chính sách đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, kêu gọi các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi tốt để tuyển dụng người lao động địa phương.

Thế Hùng (Báo Đắk Lắk)

HongLien

Related post