Việc làm phổ thông sau mùa dịch và đường cong học hỏi
(1) Hiện trạng lao động cuối tháng 7/2021
Bài phân tích dựa vào định tính. Giờ này, các nhà thống kê, ở nhà, cũng không có thời gian để cân đong đo đếm mọi thứ, cứ như mọi lần.
Có hơn 2 triệu lao động ngoại tỉnh vào Sàigòn và Bình Dương làm việc (GSO, 2021). Chưa có con số thống kê con số lao động rời Sàigòn hay Bình Dương để về quê tránh dịch, cũng như ước tính khả năng quay trở lại sau dịch, khi mà bộ trưởng Lê Minh Hoan quyết tâm “Nông thôn là nơi đáng sống, nơi để quay về”.
Thiếu lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp sau mùa dịch là một nguy cơ. Mình sẽ trở lại vấn đề này, khi có thêm thông tin. Hôm nay, mình chỉ bàn về tác động đến chất lượng lao động.
Đợt dịch thứ tư, đánh thẳng trực diện vào lao động phổ thông, lao động có đặc điểm (1) giao tiếp gần, nguy cơ lây nhiễm cao, (2) không dự trữ kinh tế, khả năng “chống đỡ” của họ khi ở Sàigòn có thể tính bằng ngày, (3) ở xa Sàigòn và (4) tính chất di cư lao động theo nhóm.
Sự trở về quê của họ không hẳn là do họ sợ dịch, mà cũng có thể là sợ đói, khi mà lòng tin của họ về “không bỏ lại ai phía sau” quá thấp. Lòng tin của họ không phải là không có cái lý của nó, trước sự khiếm khuyết trong việc phân bổ quỹ cứu trợ. Hoặc cũng có thể họ sợ cả hai: dịch và đói.
Doanh nghiệp “3 tại chỗ” thì khoán trắng cho doanh nghiệp, đẩy chi phí sản xuất lên cao về phòng chống dịch, xử lý, khoanh vùng dập dịch.
Nếu tính chất ngành càng nghề đa dạng, phong phú, phân công lao động xã hội càng chi tiết, càng sâu sắc, thì cái giá mà xã hội phải trả càng đắt, cho việc kiến tạo lại chất lượng lao động như trước.
Doanh nghiệp muốn duy trì lao động “tinh hoa” thì phải trả một mức lương giữ việc tối thiểu, tính bằng phần trăm lương cơ bản. Tuy nhiên, dịch kéo dài thì không thể duy trì lao động này. Thực tế thì dịch cũng đã kéo dài.
(2) Tác động đến chất lượng lao động (đường cong học hỏi)
Trong kinh tế học vi mô, có 2 quy luật là lợi thế kinh tế theo quy mô (economies of scale) và đường cong học hỏi (learning curve) (xem hình).
Lợi thế kinh tế theo quy mô có được, tức là hạ thấp chi phí đơn vị sản phẩm, khi quy mô được mở rộng:
AC = f(Q) trong đó AC là chi phí trung bình để sản xuất một đơn vị sản phẩm; Q là số lượng sản phẩm. Khi quy mô càng mở rộng, thì AC càng giảm.
Đường cong học hỏi có được, tức hạ thấp chi phí đơn vị sản phẩm, khi số lượng sản phẩm sản xuất ra, được cộng dồn từ khi doanh nghiệp ra đời, càng tăng:
AC = f(Qdot) trong đó AC là chi phí trung bình để sản xuất một đơn vị sản phẩm; Qdot là sản phẩm cộng dồn.
Như vậy sau dịch, lao động phổ thông quay lại làm việc ở chuyên môn cũ thì thấp, nhất là trong một xã hội phân công lao động chi tiết, cho nên đường cong học hỏi không thể có. Một sự xáo trộn nguồn nhân lực xã hội sẽ xảy ra.
Trước dịch, một trong những “tài sản vô hình” của doanh nghiệp, đó là thâm niên trung bình của người lao động trong doanh nghiệp. Sau dịch, “tài sản vô hình” này quay trở lại con số không.
Kết luận
Sau dịch, ngoài việc thiếu hụt lực lượng lao động phổ thông, còn có mất mát về chất lượng lao động, kinh nghiệm lao động tích lũy như phân tích ở trên. Bài viết chỉ dừng lại phát hiện vấn đề, chứ không đề cập đến giải pháp hay nhóm giải pháp. Giải pháp hay nhóm giải pháp xin khất sang một bài khác.