Lộc bị bệnh tâm thần

Lộc bị bệnh tâm thần (ảnh trái) nhưng lại thi đậu bằng lái xe ô tô hạng B2 (ảnh phải)

Vụ thoát án giết người ‘nhờ’ bệnh án tâm thần: Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nói gì?

Liên quan đến “Vụ thoát án giết người nhờ bệnh án tâm thần”, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan tố tụng của tỉnh căn cứ vào kết quả giám định của Hội đồng giám định, Bộ Y tế để xác định đối tượng có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người hay không.

Ngày 20/4, trao đổi với Tiền Phong xung quanh vụ “Thoát án giết người nhờ bệnh án tâm thần”, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo kết quả giám định pháp y của Viện pháp y tâm thần Trung ương tại Biên Hòa, Đồng Nai (ngày 2/8/2019, do Bộ Y tế thành lập hội đồng) thể hiện, tại thời điểm gây án (khuya 20/1/2016) Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng mất khả năng điều khiển hành vi.

“Căn cứ kết quả của Hội đồng giám định, Lộc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người”, vị lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nói.

Trả lời câu hỏi của PV, vì sao bệnh tình của Lộc giám định 3 lần đều khác nhau, đặc biệt lần thứ 3 lại nặng hơn? Vị này cho biết: “Chúng tôi không có cơ quan chuyên môn làm việc này mà phải trưng cầu giám định ở cơ quan độc lập, đó là Hội đồng giám định của Bộ Y tế. Dư luận cứ hoài nghi như vậy (hoài nghi về bệnh tình của Lộc-PV) nhưng kết quả giám định Lộc bị bệnh tâm thần”.

Vẫn theo lãnh đạo Viện KSND tỉnh, từ kết quả giám định của cơ quan chức năng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng Nguyễn Xuân Lộc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Do thời điểm mua súng (năm 2015), Lộc chỉ bị hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi, nên người này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Ngay sau khi xảy ra xô xát, khiến nạn nhân Nguyễn Anh Kha (SN 1986, trú tại phường Tự An) tử vong (sau khi được đưa tới bệnh viện-PV) vào khuya 20/1/2016 tại một quán phở vỉa hè trên đường Phan Bội Châu giao với đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, Lộc đã đến đầu thú tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk và giao nộp khẩu súng cùng 6 viên đạn.

Tại đây, Lộc khai nhận đã mua khẩu súng này cùng 10 viên đạn của một người (không rõ danh tính) tại Bến xe miền Đông (TPHCM) với giá 5 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại biên bản lấy lời khai bị can lúc 15h ngày 23/5/2016 (bút lục số 97) có luật sư Lê Quang Trình (Đoàn luật sư Đắk Lắk) tham gia theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Lộc khai: “Nay tôi làm việc với cơ quan điều tra, bản thân tôi hoàn toàn tỉnh táo…”.

Theo kết luận của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên (ngày 2/8/2016), trong lúc gây án, Lộc “hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, qua đó yêu cầu cơ quan chức năng đưa Lộc đi chữa bệnh bắt buộc.

Sau thời gian chữa bệnh này, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần TP. Đà Nẵng đã gửi thông báo số 396 (ngày 10/8/2018) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: “Nguyễn Xuân Lộc đã ổn định về mặt tâm thần và hành vi”. Nhận thông báo này, công an đã đến tận nơi làm thủ tục xuất viện, đồng thời bắt Lộc về Đắk Lắk quy án.

Đáng chú ý, trước đó, theo cáo trạng một vụ án khác của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, khuya 6/10/2011, Lộc đã khởi xướng, rủ rê và xúi giục các bị can khác đánh anh Y Nhôih (tử vong sau khi được đưa tới viện); đánh gãy tay phải anh Y GrinYa tại khu vực Hoa viên thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Nhóm bạn của Lộc sau đó bị Tòa tuyên phạt án tù về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Khoảng 4 tháng sau (ngày 4/1/2012), Lộc có bệnh án tâm thần, nên Công an huyện Cư Jút đã đình chỉ điều tra đối với người này. Năm 2013, Lộc có tên trong danh sách các học viên tại Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (Gia Nghĩa, Đắk Nông); một năm sau, Lộc chính thức được cấp bằng lái hạng xe ô tô hạng B2.

NHÓM PV TÂY NGUYÊN

Exit mobile version