Vụ Hàng chục cây thông ở rừng phòng hộ tại Đà Lạt bị đốn hạ: Thủ đoạn ‘xóa dấu vết’ tinh vi

 Vụ Hàng chục cây thông ở rừng phòng hộ tại Đà Lạt bị đốn hạ: Thủ đoạn ‘xóa dấu vết’ tinh vi

Nhìn cảnh rừng như thế này, khó ai biết là đã bị lâm tặc “thủ tiêu” hàng chục cây thông trong này

Điều đáng nói, thủ đoạn của lâm tặc lần này rất tinh vi, dọn sạch hiện trường sau khi khai thác, không để lại dấu vết trong vụ hàng chục cây thông ở rừng phòng hộ tại Đà Lạt bị đốn hạ.

Ngày 4.12, Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã khởi tố vụ án hình sự vụ “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra tại địa bàn P.7 (TP.Đà Lạt) và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Lạt để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Theo ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt, trước đó đơn vị đã phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng tại tiểu khu 147A (địa bàn P.7) phát hiện “dấu vết lạ” cỏ khô bất thường nên lần theo và phát hiện vụ phá rừng thông tự nhiên trái phép tại đây.

Cụ thể, tại lô Q và lô O, khoảnh 6, tiểu khu 147A (thuộc đối tượng rừng phòng hộ) diện tích rừng do Công ty CP dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất thuê để triển khai dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tổng cộng 31 cây thông 3 lá tự nhiên bị cưa hạ trái phép.

Điều đáng nói, thủ đoạn của lâm tặc lần này rất tinh vi, dọn sạch hiện trường sau khi khai thác, không để lại dấu vết và nếu chỉ đứng quan sát cánh rừng thì thấy bình thường, rất khó để phát hiện thông bị đốn hạ. Có mặt tại hiện trường khu vực này (giáp với khu vực đồi cỏ hồng, H.Lạc Dương) quan sát và nhờ “chỉ điểm” của cán bộ kiểm lâm, chúng tôi mới phát hiện ra sự tinh vi của lâm tặc trong vụ triệt hạ rừng thông này.

Một gốc thông bị cưa sát mặt đất
Một gốc thông bị cưa sát mặt đất và phủ cỏ, đất lên để tạo hiện trường giống tự nhiên

Dấu vết bánh xe ô tô, dấu vết kéo trượt gỗ đều được lâm tặc phủ cỏ che kín trông rất giống cảnh tự nhiên. Trong khi đó, gốc thông bị cưa sát, thậm chí sâu hơn mặt đất và được phủ đất, cỏ lên trên tạo ra hiện trường bằng phẳng “như tự nhiên” để che giấu, phải biết chỗ, bóc gỡ lớp đất và cỏ này mới thấy được gốc thông bị cưa hạ. Gỗ thông đã được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường, cành nhánh thông bị cưa hạ cũng được lâm tặc dọn sạch, không để lại nhánh nào. Theo ông Sơn, rõ ràng đây là vụ khai thác rừng trái phép để lấy gỗ.

“Mấy chục năm làm trong ngành kiểm lâm, đây là lần đầu tiên tôi mới gặp vụ phá rừng mà đối tượng dùng thủ đoạn rất tinh vi như thế này. Đối tượng phá rừng canh lúc thời tiết mưa gió để thực hiện và chúng chỉ chọn những cây thông lớn nằm rải rác trong khu rừng để cưa hạ trong nhiều lần chứ không cưa hạ cả loạt. Vụ phá rừng này rất nghiêm trọng, phức tạp, chưa phát hiện được đối tượng vi phạm”, ông Sơn nói.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định 31 cây thông bị cưa hạ này có đường kính gốc từ 35 – 65 cm (khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại gần 23 m3) nằm rải rác trên diện tích khoảng 3.000 m2. Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.Đà Lạt đã xác định, tổng thiệt hại của vụ vi phạm này quy ra tiền gần 345 triệu đồng; trong đó giá trị thiệt hại của gần 23 m3 gỗ tròn là hơn 68,9 triệu đồng và thiệt hại về môi trường rừng gần 276 triệu đồng.

 

HongLien

Related post