Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ ‘ề à’!

 Từ chức, miễn nhiệm: Bớt đi cán bộ ‘ề à’!

Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được cho là tạo cú hích mới trong công tác cán bộ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trước đó, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là hai quy định được cho là chỉnh đốn lại công tác cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội – chia sẻ: “Quy định số 41 là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Hiệu quả thực hiện quy định này sẽ là cách xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng”.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái tại diễn đàn Quốc hội – Ảnh: quochoi.vn

Từng có quy định nhưng ít thấy từ chức

* Quy định 41 có phải là văn bản đầu tiên của Đảng nói đến việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ?

– Trước khi có quy định 41, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 260-QĐ/TW năm 2009 về “việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”. Sau đó có quy định 08-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó quy định cán bộ, đảng viên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.

Trước đó nữa, năm 1997, nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII của Đảng đã xác định “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ…”. Trên thực tế, sự mất mát cán bộ do vi phạm các quy định thời gian qua cho thấy việc thực hiện các quy định ấy còn chưa tốt.

Văn hóa từ chức được nói lâu nay nhưng chưa được thành hình, đến nay ít nghe nói có cán bộ từ chức, dù số cán bộ vi phạm bị kỷ luật nặng gia tăng theo thời gian.

* Điểm mới của quy định mà ông gọi là “vũ khí” nâng cao sức chiến đấu thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng là gì, thưa ông?

– Tôi nhận thấy rất rõ, ở đây có cả sự chủ động của đối tượng chịu sự tác động của quy định này. Đó là chủ động xin từ chức, lại có cả sự “thụ động” của đối tượng chịu sự tác động của quy định. Nếu anh không tự giác, tổ chức cũng sẽ “gợi ý” để anh từ chức, và hơn thế nữa, là miễn nhiệm anh khi chưa hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Nổi lên rõ nhất, việc từ chức, tức là rời khỏi chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi hết thời hạn bổ nhiệm.

Thực tế hiện nay, có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không còn đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí công tác của mình. Từ chức là cách hành xử tốt nhất, nhân văn nhất, thể hiện tự trọng, tư cách và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

>> Xem thêm: TP. Buôn Ma Thuột tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường Tân Lợi

Tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ

* Như ông nói, văn hóa từ chức được quy định từ lâu nhưng chưa thành hình. Với quy định lần này có hy vọng sẽ có cán bộ tự ý thức từ chức?

– Do là một hành động hoàn toàn mang yếu tố tự nguyện, cho nên chủ động từ chức khác với được gợi ý từ chức, hoặc thậm chí được tổ chức mời làm việc để từ chức. Chủ động từ chức chính là văn hóa từ chức, một hành xử nhân văn trong một nền chính trị văn minh. Còn văn hóa từ chức phải dựa trên lương tâm, trách nhiệm và sự coi trọng danh dự của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Với quy định 41, nếu cán bộ cố tình “còn nước còn tát”, cố giữ vị trí công tác của mình trong khi không còn đủ sự tín nhiệm để mà ngồi ở vị trí ấy thì rồi cũng vẫn bị miễn nhiệm.

* Theo quy định 41, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức có quy định do có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu. Nhưng quy định lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay có đủ để trở thành “áp lực” với cán bộ?

– Đọc quy định 41 thấy rất rõ một điều quan trọng, căn cứ để một cán bộ lãnh đạo, quản lý từ chức hoặc bị miễn nhiệm là kết quả lấy phiếu tín nhiệm để “định giá” uy tín và hiệu quả rèn luyện, phấn đấu và công tác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hiện nay, trong hệ thống chính trị nước ta, độ dài một nhiệm kỳ công tác của chức vụ bầu cử và độ dài của một chức danh công tác được bổ nhiệm đều là 5 năm.

Tôi tán thành ý kiến kiến nghị nên tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm lên nhiều hơn một lần trong một nhiệm kỳ. Sự tự giác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là yếu tố trên hết. Tuy nhiên cần có những chế định cần thiết để bên cạnh sự tự giác còn có yếu tố tạo áp lực, buộc anh phải thực hiện việc nêu gương, chuẩn mực, liêm khiết, làm việc vì nước, vì dân…

* Nhưng một thực trạng cũng được chính các đại biểu nêu ra là bệnh ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Khi mà cán bộ chỉ lo giữ ghế thì sao có văn hóa từ chức?

– Để thực hiện quy định 41 có hiệu quả, căn cơ, theo tôi, cần có các giải pháp khắc phục “căn bệnh sợ trách nhiệm” đã và đang trực tiếp và gián tiếp gây ra những hậu quả lớn ở hầu như mọi lĩnh vực; là một trong những trở ngại của phát triển.

Trước đây, khi ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né trách nhiệm… thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được?”.

Nhưng, trong khi quyền lực cụ thể, trách nhiệm cụ thể thuộc về các chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể, thiết nghĩ cũng cần phải rà soát để rồi đánh giá tác động của những quy định, cơ chế hiện giờ liệu đã đủ sức bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm chưa?

Cần phải kiên quyết và triệt để loại bỏ những kẽ hở trong các quy định, quy chế, thậm chí là trong cung cách làm việc thường ngày ở lĩnh vực công, nó “nuôi dưỡng, che chắn” cho một “triết lý” đang có ở không phải là đa số nhưng cũng không quá ít cán bộ lãnh đạo quản lý và cả ở công chức, viên chức: “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.

Không làm được việc, hãy đứng qua một bên…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Hữu Lam – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển quản trị, Đại học Kinh tế TP.HCM – nhận định hai văn bản này đã cho thấy sự nhìn nhận thẳng thắn với tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm, vinh thân phì gia của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nó cũng chỉ ra sự bất cập trong đổi mới thể chế đang ngăn trở những con người tốt được làm những điều đúng đắn và dung dưỡng những người vô cảm.

“Qua quy định này một lần nữa khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cán bộ. Việc từ chức là trách nhiệm, lương tâm, đạo đức của cá nhân. Khi anh nhìn vào những quy định và cảm thấy mình không hoàn thành trách nhiệm, nếu có liêm sĩ anh đứng sang một bên cho người khác làm” – ông Lam nói.

Tuy vậy, một vấn đề đặt ra là có những cán bộ sợ trách nhiệm nên không dám làm. Vậy phải làm gì để cán bộ hoặc những người khác đánh giá được cán bộ đó không đủ uy tín hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà chủ động xin từ chức?

Theo ông Lam, nâng cao độ trách nhiệm là một trọng tâm của đổi mới quản lý công trên toàn thế giới từ những năm 1980 cho đến nay. Vì thế, đổi mới quản lý các tổ chức, xác định rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn… để đánh giá kết quả công việc là quan trọng nhằm nâng cao độ trách nhiệm của mỗi người.

Minh bạch và tiếng nói của người dân có vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ trách nhiệm của cán bộ. Tiêu chí đánh giá của cán bộ, công chức lâu nay chủ yếu tập trung đánh giá việc không vi phạm, trong khi đúng ra phải quan tâm là cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Muốn vậy nhiệm vụ đó phải có mục tiêu đo lường được và phải có sự giám sát. Nói cách khác, mục tiêu đó phải gắn với chủ sở hữu, người chịu trách nhiệm cụ thể. Như vậy cả người giám sát lẫn cán bộ đều đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Mặc dù vậy, ông Lam cho rằng sau kết luận của Bộ Chính trị cần thời gian mới có hy vọng sẽ có nhiều cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để việc này trở thành văn hóa của cán bộ, công chức, đầu tiên là khát vọng của cá nhân cán bộ, công chức muốn sống đúng, sống tốt, sống có ý nghĩa.

Muốn vậy miếng cơm manh áo phải ổn, trong đầu mà nghĩ tới những tầm nhìn chưa qua cửa miệng sao phục vụ lợi ích công được. Mặt nữa, phải làm rõ hệ thống chuẩn mực chỉ dẫn mềm: tầm nhìn, sứ mạng, và giá trị cốt lõi của tổ chức và luôn được nhắc đi nhắc lại.

“Quan trọng nhất phải có hệ thống minh bạch, thu hút các bên có lợi ích liên quan lên tiếng. Giữa cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu chỉ là ranh giới rất mong manh, phải có thời gian kiểm chứng, do vậy minh bạch và sự lên tiếng của người dân sẽ giúp cho việc giám sát, sớm ngăn chặn những cái sai, cái xấu, đồng thời cổ vũ và bảo vệ những cái tốt, cái đúng” – ông Lam nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên):

Chữa bệnh “sợ trách nhiệm”

Còn một “đại dịch” khác đã xuất hiện từ lâu đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, len lỏi vào mỗi người, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm. Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để an toàn cho bản thân, trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ công chức.

Nguyên nhân chính là do sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi công vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám quyết định.

Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế sự sáng tạo của lao động công chức, có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục tình trạng này, tháng 9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, vì lợi ích chung. Đây là chủ trương mới, khuyến khích sự sáng tạo, bảo vệ cán bộ, nên để chủ trương đi vào cuộc sống cần thể chế hóa quy định về pháp luật, tránh tình trạng xử lý tùy tiện.

Nếu không luật hóa sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai. Không sớm luật hóa thì sẽ mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm soát.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các văn bản pháp luật đề xuất sửa đổi, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo. Kịp thời thể chế hóa quy định pháp luật về bảo vệ cán bộ; nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật chung chung, nhất là quy định về xử lý hình sự, hành chính. Giao cơ quan có thẩm quyền giám sát kiểm tra vụ việc có liên quan, nhằm củng cố lòng tin tránh làm oan sai.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Để không còn tình trạng chống lưng

Bộ Chính trị đã có văn bản tuyên dương, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là quy định cần thiết với chúng ta trong tình hình hiện nay để kêu gọi, động viên, thuyết phục, trân trọng, biết ơn những cán bộ, lãnh đạo dám cống hiến công việc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình để lo cho dân, cho nước.

Đặc biệt, vừa qua Ban Bí thư ban hành quy định 41 cũng là phù hợp và cần thiết vì với những cán bộ dám nghĩ dám làm, chịu trách nhiệm sẽ khác với cán bộ làm kiểu lừng chừng, không tập trung cho công việc, sáng vác ô đi, tối vác ô về. Rồi thực trạng trong công tác lãnh đạo quản lý, vẫn để cho nội bộ xào xáo, mất đoàn kết, cán bộ thuộc quyền tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách vẫn bình chân như vại.

Do đó, cần có quy định 41 để miễn nhiệm, cho từ chức là cần thiết. Đây là văn bản cần và đủ để phát huy vai trò cán bộ, xử lý cán bộ. Qua nắm bắt, theo dõi, tôi thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân rất hài lòng với quy định này, để không còn chuyện cán bộ dựa dẫm vào nhau, làm việc cầm chừng, giữ ô dù, giữ ghế mà hiệu quả không cao, dù bị cảnh cáo, khiển trách vẫn bình chân như vại, hoặc chỉ bị điều chuyển công tác, giám đốc vẫn làm giám đốc, lãnh đạo vẫn ngồi ghế lãnh đạo, dù bị kỷ luật do chủ quan do yếu kém quản lý thì không thể coi là gương mẫu.

Tôi cho rằng từ trước đến nay, để cho cán bộ cấp dưới vi phạm, hoặc bị khiển trách, nhưng vẫn không từ chức, là do bên trong vẫn còn che đỡ, nâng đỡ. Nên chắc chắn với quy định 41 thì không thể còn tình trạng chống lưng với cán bộ đó, vì nếu như vậy sẽ vi phạm quy định này.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng):

Sự kiên quyết của Đảng trong công tác cán bộ

Quy định 41 thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong việc chọn lựa cán bộ có đức, đủ tài để gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Những quy định cụ thể từ quy định 41 sẽ buộc mỗi cán bộ quản lý phải tự xem xét, soi chiếu bằng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp về trách nhiệm cá nhân của mình có xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm.

Đồng thời ở chiều khác, cán bộ, công chức và người dân cũng có giám sát đối với cán bộ đó. Tuy nhiên, đồng hành với đó cần phải có hành lang pháp lý để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá tư duy.

Theo: Tuổi Trẻ

HongLien

Related post