Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 5/11 dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thanh tra. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu đề nghị làm rõ các vấn đề: Một số định hướng Đối ngoại cơ bản của Việt Nam; những kinh nghiệm rút ra từ đại dịch COVID-19 trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô; nguyên nhân chậm quy hoạch; giải pháp để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo; giải pháp đạt mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; giải pháp để giảm chênh lệch giàu nghèo; quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế; tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu về định hướng đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ chúng ta theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì sự phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực hiện đường lối này với 3 trụ cột chính: ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và thu được nhiều kết quả quan trọng, ứng phó linh hoạt với các sự kiện quốc tế.

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải. Thủ tướng biểu dương Bộ Ngoại giao đã tích cực thực hiện Chiến lược vắc xin với phần công việc ngoại giao vắc xin. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân mà vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí…

Về những kinh nghiệm rút ra từ đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ qua 2 năm chống dịch chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Song Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bài học kinh nghiệm.

Về sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm – cách ly – điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch 5K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều cộng nữa để có dư địa, không gian sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ cho biết trên thực tế đã làm đúng tinh thần. Trong giai đoạn 1 khi chưa tiếp cận được vắc xin, chưa hiểu biết hết được về virus đã buộc chúng ta phải dùng biện pháp hành chính. Sau khi nhận thấy biện pháp hành chính rất khó thành công thì chúng ta đã thúc đẩy vắc xin. Theo đó đã xây dựng chiến lược vắc xin cùng với ý thức người dân là 2 thành tố quan trọng từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch “đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết” và “chống dịch từ sớm, từ xa”, có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế thì nước ta đã thành công.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ thời gian tới cần tiếp tục là phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên có thể thấy rõ nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì tinh thần đại đoàn kết dân tộc ta khi gặp khó khăn đã biến nguy thành cơ. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta cũng đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu.

Trả lời về ứng phó với biển đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên phải nhận thức và hành động tương xứng với những gì biến đổi khí hậu đang tác động đến nước ta, đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, phải đánh giá lại tác động; phải xây dựng thể chế; đảm bảo các nguồn lực, dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu bao gồm sạt lở đê điều, hồ đập… Bên cạnh huy động nguồn lực Nhà nước phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư. Ngoài ra phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và tăng cường quản trị quốc gia.

Về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục. Nhiệm kỳ này đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng.

Về bài học phục hồi kinh tế sau COVID-19, Thủ tướng Chính phủ làm rõ, có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn nên cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Về chỉ số CPI, vừa qua Việt Nam kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết, có hai nội hàm cần quan tâm trong kìm hãm lạm phát: “cầu kéo” giảm đi, “cung đẩy” phù hợp. Theo đó, cần tìm điểm cân bằng quan trọng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Với kinh nghiệm nhiều năm kiểm soát lạm phát, chúng ta phân tích được những “rổ hàng” tác động đến tình hình lạm phát trong nước, trong đó rổ lớn nhất là vấn đề ăn uống, sau đó đến xây dựng, trang thiết bị đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế. Các rổ hàng này chiếm tỷ trọng lớn, nên trong kiểm soát lạm phát cần tính đến các lĩnh vực này. Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm của Việt Nam là chúng ta tự chủ lương thực thực phẩm, với nông nghiệp là trụ đỡ, tích cực rà soát việc lên giá của vật liệu.

Toàn cảnh phiên chất vấn.

Về an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau… đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có đống góp lớn của đại biểu Quốc hội. Thời gian sắp tới, cần xem xét những vấn đề bất cập như xây dựng căn hộ cho người có thu nhập thấp, tăng lương, phụ cấp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể. Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Đối với chất vấn về còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, Thủ tướng cho rằng, tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch…

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề cập, yêu cầu làm rõ các vấn đề: nguyên nhân của việc chậm ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành; khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa; các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; khó khăn về định giá thương hiệu trong hợp tác công tư; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; giải pháp để đạt được mục tiêu về kinh tế số… Các vấn đề đại biểu quan tâm đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời, làm rõ.

Exit mobile version