Tha thứ hay không tha thứ?

Tha thứ hay không tha thứ?
Hôm lên trường, một bạn sinh viên chặn mình ở chân cầu thang hỏi: “Cái vụ xướng ngôn viên của VTV ví người bán rong như ký sinh trùng có thể tha thứ được không thầy? Người ta đã xin lỗi rồi mà thầy?”
Mình nói: “Mình thì tha thứ, nhưng không bao giờ quên và mình nghĩ công luận cũng vậy. Có những lỗi lầm tha thứ và quên ngay, nhưng lỗi lầm này, thì một người tương đối dễ tính như mình, thì chỉ có tha thứ nhưng không quên”
Cổ nhân thì dùng hình ảnh “bát nước đổ rồi, thì làm sao hốt lại được”, thì nó hoàn toàn đúng cho ngữ cảnh này.
Mình xin kể một câu chuyện dân gian Nhật Bản để minh họa cho vấn đề này.
Ngày xưa, người chồng đi đánh giặc, vợ ở nhà sống với bố mẹ chồng. Người vợ quá xinh đẹp, nên đi đến đâu cũng có người nhòm ngó và chọc ghẹo, nhất là đám trai làng. Trong đó, có một chàng trai đi theo quyến rũ, dụ dỗ, chọc ghẹo hoài không được đáp lại, nên bèn đâm ra dựng chuyện nói xấu.
Cô vợ bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của thiên hạ. Nhưng những lời đàm tiếu này không dừng lại, mà đã đến tai bố mẹ chồng và bố mẹ chồng phân biệt đối xử. Tất cả làm cho cô vợ không thể sống được, mà phải ra biển trầm mình mà chết. Ngày xưa, luật pháp còn sơ khai, chưa có luật vu khống.
Chàng trai dựng chuyện nói xấu cảm thấy hối hận. Ngay trong giấc ngủ cũng thấy hình ảnh cô vợ này. Chàng đến ông già làng để giúp quên đi những ám ảnh.
-Ông già làng: “Còn một cách! Tôi sẽ giúp anh! Sáng mai, anh chuẩn bị cho tôi một cái gối ôm và một cái gối nằm”
Sáng sớm, ông già làng đưa chàng trai leo lên một ngọn núi cao nhất của vùng này. Ông già làng đã xé toang bao gối, để cho gòn bay khắp bốn phương, tám hướng.
-Ông già làng nói: “Cậu xuống lấy cho tôi tất cả gòn”
-Chàng trai: “Không thể!”
-Ông già làng: “Đúng vậy! Không thể! Những gì mà anh đã dựng chuyện và gieo rắc cho người ta cũng giống chang như gòn kia, sao mà hốt lại được. Cậu phải trả giá cho một đời”.
Exit mobile version