rừng tại Đắk Lắk

Rừng bị cháy tại Đắk Lắk

Chủ rừng bất lực, đùn đẩy trách nhiệm; rừng tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ bị xóa sổ

Suốt 5 năm qua, tại Đắk Lắk, hàng trăm ngàn ha rừng đã bị phá trắng, đốt trụi.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng và thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ, khôi phục rừng tự nhiên, trong suốt 5 năm qua, tại Đắk Lắk, hàng trăm ngàn ha rừng đã bị phá trắng, đốt trụi. Nhiệm vụ bảo vệ rừng không những không hoàn thành mà qua thực tế những vụ phá rừng cho thấy năng lực của nhiều chủ rừng rất yếu kém, dẫn đến tình trạng phá rừng càng khó kiểm soát.

Một góc trong số gần 70 ha rừng bị cháy thuộc tiểu khu 1391 và 1392, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai – Chi nhánh Đắk Lắk được giao quản lý và bảo vệ. Khi những công nhân của công ty này có mặt tại hiện trường thì rừng đã được đốt trụi, còn khói vẫn mịt mù cả khu vực. Còn tiểu khu 1400 thuộc UBND xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk quản lý nằm sát bên cũng trong tình trạng tương tự.

Rõ ràng, ngoài việc người dân cố tình phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất làm nương rẫy, phải nói năng lực của đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng rất yếu kém. Không chỉ có vậy, ngay cả chính quyền địa phương cũng thụ động trong việc nắm thông tin cũng như xử lý tình trạng phá rừng.

Có một thực tế tại Đắk Lắk là: sau khi những những cách rừng bị triệt phá, ngay sau đó lực lượng chức năng đã có báo cáo thống kê thiệt hại, rồi diện tích rừng bị phá. Nhưng biện pháp triển khai để quản lý rừng đã bị phá lại không có. Vì vậy, chẳng bao lâu, những diện tích rừng bị phá đó đã biến thành nương rẫy, thậm chí được mua bán sang nhượng.

Những cánh rừng bị phá sạch

Trước khi xảy ra vụ phá sạch, đốt trụi gần 100 ha rừng tại huyện Lăk chỉ chưa đầy 1 tuần thì tại Huyện Ea Súp,tỉnh Đắk Lắk, gần 400 ha rừng tự nhiên cũng bị xóa sổ. Theo một nguồn tin từ cơ quan cảnh sát điều tra; những vụ phá rừng quy mô lớn vừa qua trên địa bàn Đắk Lắk là có tổ chức, có người đứng sau chỉ đạo.

Theo người dân địa phương, trước đó, các đối tượng đã tổ chức tập kết máy móc với quy mô lớn và cưa hạ cây rừng trong thời gian khá dài. Điều lạ là, khu rừng bị phá chỉ cách UBND xã khoảng 15 km. Đường bằng phẳng dễ đi và nếu đi bằng xe máy chỉ mất hơn 20 phút. Tuy nhiên, chỉ khi hàng trăm ha rừng bị xóa sổ, chính quyền địa phương mới có mặt để tìm hướng xử lý.

Những cây to bị đốn hạ để làm ra các thành phẩm

Những cánh rừng dần biến mất, cũng là lúc sự yếu kém của chủ rừng và cơ quan quản lý bảo vệ rừng mới được bộc lộ. Việc hàng chục cán bộ kiểm lâm của tỉnh này bị kỷ luật, thậm chí phạt tù trong thời gian gần đây do liên quan đến việc tiếp tay cho lâm tặc đã phần nào lý giải vì sao tình trạng phá rừng lại khó kiểm soát đến vậy.

Dù cho các lực lượng chức năng đang nỗ lực điều tra những kẻ đã tham gia hủy hoại rừng, tuy nhiên dù có bắt được, có truy tố được các đối tượng này cũng rất khó có thể được phục hồi nếu không nói là có thể bị xóa trắng và sẽ có trong báo cáo cuối năm nay của tỉnh này.

Tình trạng cây cổ thụ bị hạ và xẻ gỗ diễn ra phổ biến

Từ trung tâm xã Cư Đrăm, sau nhiều giờ leo núi, phóng viên VTV đã có mặt tại tiểu khu 1911, thuộc lâm phần quản lý của Ủy ban nhân xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Nhìn bên ngoài, ai cũng tưởng khu rừng này vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, vậy nhưng càng đi vào sâu bên trong, những cây cổ thụ càng vắng bóng. Và 3 nhóm đối tượng đang hạ cây, xẻ gỗ bị lực lượng Công an huyện Krông Bông bắt giữ ngay tại hiện trường.

Càng vào sâu trong cánh rừng của tiểu khu 1191 tại xã Cư Đrăm, tình trạng càng phức tạp hơn. Từ cây to đến cây nhỏ đều bị hạ sát, những hộp gỗ rộng hàng mét, rồi những cột gỗ thành phẩm nằm ngổn ngang giữa rừng.Và điều trớ trêu là những dòng chữ “cấm phá rừng” chỉ xuất hiện sau khi cây rừng đã bị hạ sát và lấy hết phần gỗ tốt mang đi vậy nhưng đại diện hạt kiểm lâm huyện này vẫn cho rằng tình trạng phá rừng đã giảm rất nhiều.

Với trên 70% diện tích rừng thuộc dạng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu đã bị phá gần hết. Có thể nói, rừng tại Đắk Lắk đang ở mức không thể để thấp hơn được nữa. Trong khi đó, các chủ rừng bất lực, đùn đẩy trách nhiệm. Lực lượng bảo vệ rừng cho rằng cơ chế chính sách về quản lý bảo vệ rừng hiện nay chưa phù hợp với đặc thù riêng của địa phương. Và tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy này vẫn còn thì rừng tại Đắk Lắk cũng chả mấy sẽ bị xóa sổ.

Theo: VTV

Exit mobile version