Nguyên nhân hàng loạt cán bộ kiểm lâm ở Đắk Lắk xin nghỉ việc
Đắk Lắk – Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh này vừa nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cán bộ kiểm lâm tại địa phương xin nghỉ việc, về hưu sớm trong thời gian qua.
Ngày 16.6, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk có văn bản thông tin, trong những năm gần đây liên tiếp có nhiều cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 216 công chức (30% trên 50 tuổi), thiếu 111 công chức, tương đương mỗi một Hạt kiểm lâm huyện thiếu từ 8 đến 10 công chức so với nhu cầu thực tế quy định.
Do đó, có những trường hợp một kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục ngàn ha rừng.
Từ năm 2016 đến nay, tại Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi, 3 công chức xin từ chức, xuống chức. Có 32 công chức kiểm lâm bị xử lý kỷ luật, 26 tập thể và 77 cá nhân bị phê bình.
Đại diện Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Xảy ra thực trạng trên một phần do chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, về đất đai còn một số bất cập, chưa sát với điều kiện thực tế ở địa phương.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…
Việc thu hút nhân sự cho ngành lâm nghiệp ngày càng khó khăn do địa bàn quản lý rộng lớn, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn; thu nhập thấp, trách nhiệm cao, từ đó dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức ngày càng diễn ra.
Sinh viên ra trường không muốn vào làm việc trong ngành, những năm gần đây còn không có sinh viên đăng ký vào học nghành lâm nghiệp.
Ngoài ra, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các ngành, các cấp chính quyền cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, nhất là cấp xã; việc triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh chưa thường xuyên, liên tục và đồng bộ. Các đơn vị thiếu kinh phí, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức thực hiện.
Công tác phối hợp giải quyết tình trạng dân di cư tự do giữa các địa phương chưa được chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất ở một số địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn chậm, thiếu kiên quyết, xử lý chưa kịp thời, dứt điểm, do vậy không đủ sức răn đe, giáo dục. Các chủ rừng còn buông lỏng quản lý rừng và đất lâm nghiệp.
Theo: Lao Động