Ngộ độc rượu – nỗi lo mỗi dịp Tết đến
Những ngày trước Tết Nguyên đán, các hoạt động cưới hỏi, liên hoan, ăn uống gia tăng, nếu người dân sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc rượu.
Dịp cận Tết Nguyên đán, nhiều gia đình tổ chức các hoạt động cưới hỏi, giỗ chạp; nhiều đơn vị cơ quan cũng tổ chức liên hoan tất niên; nhu cầu gặp gỡ, tụ tập cũng nhiều hơn thường ngày. Đi kèm với đó là nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao, cũng khiến nguy cơ ngộ độc rượu trong cộng đồng tăng mạnh bởi sử dụng phải rượu kém chất lượng trong các bữa tiệc.
Trong năm vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc methanol do dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, từ đầu tháng 8 đến tháng 8/2020, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 7 bệnh nhân ngộ độc methanol nặng. Đầu tháng 11/2020, Trung tâm cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt, xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương não rất nặng, dù bệnh nhân được giải độc, cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng đã tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện hàng chục lần do xuất huyết tiêu hóa. Chưa kể, không ít người bị ngộ độc rượu, thoát chết nhưng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt…, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Về nguyên nhân xuất hiện nhiều ca ngộ độc methanol trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng đó là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được kiểm soát tốt.
Chuyên gia cũng nhận định, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay thấp. Chính vì thế, người dân phải nâng cao cảnh giác, chọn loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hay đơn vị nhập khẩu. Bởi nếu uống phải rượu pha chế từ cồn công nghiệp, có hàm lượng methanol <0,1% thì có thể gây mù loà, tử vong.
Để đảm bảo sức khỏe, người dân không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia…
Minh Đức (VTV)