Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, hiện nay tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ (flycam/drone) – gọi tắt là UAV (Unmanned Aerial Vehicle) là phương tiện bay không người lái kiểu mới có kích thước và động cơ nhỏ gọn, phát triển ngày càng nhanh chóng và đa dạng. Các phương tiện bay này được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và an toàn hàng không.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, nhất là khi có các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội lớn diễn ra, hoạt động bay bằng UAV của các tổ chức, cá nhân có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý, số thiết bị chưa được cấp phép bay chiếm phần lớn, việc trao đổi, mua bán, sử dụng UAV trên địa bàn tỉnh còn khó phát hiện, nắm bắt, xử lý kịp thời. Ngoài các lực lượng chức năng và các phóng viên, cơ quan báo chí sử dụng UAV theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị thì nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng UAV trong các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc kinh doanh dịch vụ, các hoạt động bay thường mang tính tự phát, chủ yếu từ nhu cầu cá nhân, như: Chụp ảnh, quay video clip… Thống kê số liệu của các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã có 08 vụ việc cá nhân sử dụng UAV vi phạm quy định, do chưa hiểu rõ các quy định về quản lý, sử dụng UAV, đa số các vụ việc các cá nhân sử dụng UAV vi phạm Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Qua đó, có thể nhận thấy việc sử dụng UAV phục vụ nhu cầu cá nhân, tự phát tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cũng như tổ chức, cá nhân nếu sử dụng UAV không đúng quy định theo Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác, nhất là Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay; Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định; vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia; Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay; Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại; Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép; Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay; Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay… Nghị định 36 cũng quy định rõ, tổ chức, cá nhân trước khi tổ chức bay phải làm thủ tục xin phép bay và chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép. Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu là đơn vị có thẩm quyền cấp phép đối với các hoạt động bay của các phương tiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ: “Chậm nhất 14 ngày, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu” (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 79/2011/NĐ-CP thời gian nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức bay trước 07 ngày làm việc). Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị định 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2019) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) đến 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực hoặc có hành vi lừa dối khi xin phép bay; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) đến 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) đối với hành vi thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay đã được cấp;Phạt tiền từ 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng) đến 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) đối với hành vi thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về việc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: “Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ”; “Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép”.
Từ những quy định trên, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị UAV cần phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định được Nhà nước và pháp luật ban hành về quản lý, sử dụng thiết bị UAV. Đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ công dân vừa là cơ sở pháp lý để giúp cho cá nhân người sử dụng, những người xung quanh và thiết bị bay được đảm bảo an toàn, góp phần giúp các cơ quan chức năng bảo đảm tốt an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không để các đối tượng thù địch và phần tử xấu lợi dụng hoạt động, chống phá./.
Thu Thuyên