Chưa đầy một tháng, tỉnh Hải Dương đã có trên 600 ca nhiễm COVID-19. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói gì về việc chống dịch ở tỉnh?
Ông Phạm Xuân Thăng – bí thư Tỉnh ủy Hải Dương – cho rằng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mà tỉnh triển khai luôn bám sát phương hướng chỉ đạo của Chính phủ và đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế trước khi quyết định.
Có không việc chậm giãn cách toàn tỉnh?
Về việc có nhiều người dân từ các địa phương khác về Hải Dương dịp nghỉ tết và sau đó từ Hải Dương trở lại làm việc dẫn tới nhiều nơi đang phải vất vả truy vết, xét nghiệm COVID-19 cho những trường hợp này, mà nguyên do là tỉnh Hải Dương không áp dụng sớm biện pháp cách ly xã hội toàn tỉnh, ông Thăng cho rằng vấn đề quyết định phong tỏa, giãn cách xã hội toàn tỉnh phải dựa trên cơ sở khoa học.
Thực tế không phải tất cả các nơi ở tỉnh Hải Dương đều là vùng có dịch bị phong tỏa, số bệnh nhân mắc COVID-19 phần lớn liên quan ổ dịch Công ty Poyun, TP Chí Linh mà tỉnh đã “khóa chặt”, kiểm soát ngay từ khi phát hiện dịch nên việc áp dụng giãn cách xã hội như thế nào phải dựa trên các yếu tố dịch tễ, khoa học chứ không phải theo cảm tính.
Ông Thăng cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp, đã chỉ đạo chiến lược chống dịch lần này là truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Hải Dương đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới.
“Đến ngày 15-2, khi dịch đã xuất hiện 8/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh thì chúng tôi quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh, đây là quyết định phù hợp và không muộn. Tất cả động thái khi triển khai tỉnh đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế và đoàn công tác để đưa ra quyết định phù hợp” – ông Thăng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thăng, tất cả các khu vực tỉnh áp dụng biện pháp phong tỏa đều được kiểm soát chặt chẽ với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên những trường hợp người dân từ địa phương khác trở về nếu có nhà ở trong vùng đang bị phong tỏa, cách ly thì cũng sẽ không được ra, vào.
Đối với những công nhân, người địa phương khác đang làm việc ở Hải Dương thì từ khi dịch bùng phát, tỉnh cũng đã yêu cầu họ ở lại ăn tết và đa số đều lựa chọn ở lại, không trở về quê.
Cải thiện việc truy vết, xét nghiệm
Tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16-2, đã triển khai 949 chốt kiểm soát (29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã). Toàn tỉnh đang phong tỏa 64 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện/TP gồm Chí Linh và Cẩm Giàng.
Về công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân mắc COVID-19, ông Lưu Văn Bản – phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – thừa nhận thời gian đầu thì ngành y tế tỉnh có sự lúng túng, chệch choạc, không đảm bảo tốc độ theo yêu cầu đặt ra nhưng hiện nay công tác này đã được cải thiện rất nhiều, đảm bảo tốc độ truy vết lấy mẫu được thực hiện một cách hiệu quả, nhanh chóng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương huy động hàng trăm sinh viên tình nguyện tham gia phối hợp cùng hàng ngàn cán bộ y tế trên địa bàn để tập trung cho việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.
Hải Dương thêm ổ dịch mới
Theo thông báo mới nhất từ Hải Dương, hôm qua 21-2 Hải Dương đã ghi nhận thêm một ổ dịch tại huyện Kim Thành. Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 15 ca mắc COVID-19 đều ghi nhận tại Hải Dương.
Chuyên gia y tế đánh giá các ổ dịch lẻ tẻ vẫn có thể sẽ xuất hiện tại Hải Dương, bởi do thời gian truy vết kéo dài nên các F0 đã có thời gian ngoài cộng đồng.
Từ ngày 27-1 đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố có ca bệnh COVID-19. Trong đó, Hải Dương có 614 ca, Quảng Ninh 60, Gia Lai 27, Hà Nội 35, Bắc Ninh 5, Bắc Giang 2, TP.HCM 36, Hòa Bình 2, Hà Giang 1, Điện Biên 3, Bình Dương 6, Hải Phòng 1, Hưng Yên 2.
Trước đó, tối 20-2 đã có 12/13 tỉnh có dịch (ngoại trừ Hải Dương) không ghi nhận thêm ca bệnh mới.
>> Hải Phòng ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 làm việc tại bệnh viện
Theo: Tuổi Trẻ