Hội thi Hòa giải viên giỏi: “Sân chơi” nghiệp vụ bổ ích

 Hội thi Hòa giải viên giỏi: “Sân chơi” nghiệp vụ bổ ích

Bằng hình thức sân khấu hóa, Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đắk Lắk năm 2023 là “sân chơi” ý nghĩa cho các hòa giải viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Hội thi có sự tham dự của 15 đội thi đến từ các huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 45 hòa giải viên đại diện cho trên 13.000 hòa giải viên toàn tỉnh. Các đội trải ba phần thi, gồm: giới thiệu, kiến thức và tiểu phẩm.

Tiểu phẩm “Sự thức tỉnh của Ama” của đội thi huyện Krông Ana.

Ở phần thi giới thiệu, chỉ với 3 phút, bằng nhiều hình thức như kịch, ca, hò, vè… các đội đã thể hiện những đặc trưng cơ bản về văn hóa, xã hội, phong tục tập quán… tại địa phương, cũng như công tác hòa giải ở cơ sở. Mỗi đội có một màu sắc riêng, tạo nên những ấn tượng cho Ban giám khảo và khán giả.

Còn ở phần thi kiến thức, các đội thi đã tự tin trả lời chính xác, nhanh chóng các câu hỏi trắc nghiệm, thể hiện việc nắm chắc các luật như: Luật Hòa giải cơ sở; Luật Hôn nhân và gia đình…; các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều đội đã vận dụng hợp lý kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, kinh nghiệm và phong tục tập quán để giải quyết thấu tình, đạt lý các tình huống được Ban giám khảo đưa ra.

Hấp dẫn, lôi cuốn nhất là phần thi tiểu phẩm. Các đội thi đã xây dựng những tiểu phẩm có nội dung rất thực tế, sinh động với hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, phù hợp. Đặc biệt là cách giải quyết những “nút thắt” khá linh hoạt, mang đậm tính nhân văn. Đây là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện bản chất của công tác hòa giải, đã được các đội thể hiện thành công. Tiêu biểu có thể kể đến các tiểu phẩm như: “Sự thức tỉnh của Ama” (đội thi huyện Krông Ana), “Chỉ tại mấy con bò” (đội thi huyện Lắk), “Tảo hôn là phạm pháp” (đội thi huyện Krông Năng), “Chuyện nhà chị Lan” (đội thi TP. Buôn Ma Thuột)…

Chị Trần Thị Hằng, thành viên Đội thi hòa giải viên giỏi huyện Krông Năng chia sẻ: “Trước khi tham gia hội thi, cả đội đã tìm hiểu rất nhiều thông tin, kiến thức để có thể thực hiện các phần thi một cách tốt nhất. Hội thi là cơ hội để mọi người được giao lưu, học hỏi nhằm hoàn thành tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở”. Còn chị Đỗ Huyền Trang, đội thi TP. Buôn Ma Thuột cho biết, các đội đều có sự đầu tư rất công phu để dàn dựng những tiểu phẩm, từ đó linh hoạt truyền tải các quy định của pháp luật cho khán giả; từ hội thi, chị và các thành viên tham gia đều học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng hòa giải, giao tiếp rất bổ ích.

Có thể nói, hội thi đã góp phần bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Trần Tuấn

Related post