Heuristic

Heuristic
Ở miền Bắc, bán đồ ăn không ngon thì đóng cửa tiệm. Nhưng ở miền Nam vẫn tồn tại được vì tính phóng khoán, dễ chịu, thoải mái của người tiêu dùng, người dân ở đây. Có lần mình mua bánh mì ngon lên cho các thầy cô ăn. Khi ăn ngon, có thầy cô hỏi: “thầy mua bánh mì ở đâu vậy?”.
Mình đáp: “tôi cũng giống y chang như bạn vậy, rất nhiều lần mua bánh mì ăn, mua nhầm chỗ bán không ngon, cũng đành phải ăn, “đau khổ” mà ăn, “cay đắng” mà nuốt, không than van hay oán trách. Rủi ro, do mình chủ động tạo ra, đến rất nhiều lần, khi này khi khác. Sau cùng, mới kiếm được chỗ bán bánh mì ngon. Cái giá phải trả cũng đắt lắm. Bây giờ, mua cho bạn ăn, ăn ngon thì bạn dừng lại ở mức cám ơn đi. Đàng này, bạn muốn làm “chủ sở hữu” luôn cái chỗ bán ngon.”.
Mình nói tiếp: “Mình muốn cho bạn phải “chọn lọc tự nhiên” về lựa chọn, chứ cho bạn hay chỗ bán ngon, bạn sẽ dừng công việc “tìm kiếm” lại. Hơn nữa, chắc gì chỗ bán bánh mì của mình là ngon nhất. Khi nào, bạn muốn ăn, báo cho mình, mình sẽ mua cho bạn ăn. Còn chỗ bán thì nhất định không tiết lộ”.
Sẵn tiện đây, mình cũng kể luôn câu chuyện có liên quan đến vấn đề này. Có một nàng công chúa đến tuổi lấy chồng. Vua cha treo bảng tuyển phò mã. Các vương tôn công tử, chàng đẹp trai, soái ca xếp hàng chờ gặp công chúa.
Có một quy tắc là khi công chúa đã từ chối ai đó, thì công chúa không được kêu người đó làm phò mã nữa, sau khi phỏng vấn ai đó kế tiếp. Nói nôm na là đã cho qua rồi thì qua luôn, không quay trở lại phỏng vấn nữa. Hơn nữa, các chàng trai tự ái. Hạnh phúc sẽ không trọn vẹn.
Khi công chúa phỏng vấn ai đó, mà chọn, mà dừng lại, thì chỉ có thể biết rằng, chàng trai đó là tốt tương đối so với các chàng trai trước đó theo cái “goute” của công chúa. Tuy nhiên, cũng có rủi ro, các chàng trai phía sau này, có thể tốt hơn hay hơn chàng trai “phò mã” này. Công chúa chưa có cơ hội tiếp xúc, sao biết được chứ. Nhưng nếu từ chối chàng trai phò mã, thì không có cơ hội quay lại.
Nghiên cứu thống kê cho thấy, trung bình, người nam quen nhiều cô gái và thường dừng lại ở cô gái thứ 7 để lấy làm vợ. Người nữ thì gấp đôi 14 người và dừng lại. Chắc cũng sợ “phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”, nên lựa kỹ một chút.
Tôi thấy có những cặp nhìn cũng rất hợp nhau, nhưng có lẽ chưa đủ số người hay chưa đủ con số trung bình như trên mà tan vỡ.
Có những người mới gặp nhau thì coi như đã thuộc về nhau rồi mà không chọn lựa gì cả.
Có những người cho qua những mối tình, nhưng với quy tắc không thể quay lại đành phải nuối tiếc:
“Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng”
Trích bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” của TTKH.
Hai người gặp nhau là do nhân duyên dữ lắm, người nam dừng lại ở người thứ 7 và người nữ dừng lại ở người thứ 14. Khó khăn dữ lắm mới gặp nhau, cho nên phải yêu thương nhau nhiều.
Exit mobile version