Góp sức đổi mới buôn làng

 Góp sức đổi mới buôn làng

Một tuyến đường xanh – sạch – đẹp ở buôn Tring.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước trong xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa…, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của bà con nhân dân là yếu tố then chốt, góp phần đổi thay diện mạo các buôn làng.

Về buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) những năm gần đây, ai cũng cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” ở vùng đất này. Khi nhắc đến buôn Tring, mỗi người dân không chỉ nơi đây mà cả những vùng lân cận thường nhắc đến “vùng đất lửa” với trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring mùa xuân năm 1973 huyền thoại và là “kho báu” lịch sử, văn hóa; là tinh thần đoàn kết đánh giặc giữ đất, giữ buôn làng của đồng bào dân tộc Êđê.

Ngày nay, vùng đất anh hùng này đã bừng lên sức sống mới, đó là những con đường nội buôn bê tông sạch đẹp chạy thẳng tắp, những ngôi nhà xây khang trang, vững chãi dựng lên cạnh ngôi nhà dài truyền thống; ruộng nương trù phú, xanh mướt… Đặc biệt, hiện nay ở buôn Tring vẫn còn lưu giữ được khoảng 30 nhà dài nguyên bản, trên 24 bộ chiêng, khoảng 40 người biết dệt thổ cẩm; đồng thời, buôn Tring đã thành lập một đội chiêng già, một đội chiêng tre (ching kram), hai đội chiêng thiếu nhi… Không chỉ thế, nhờ sự đoàn kết của cộng đồng, buôn Tring vẫn còn lưu giữ bến nước, cánh rừng thông rộng hơn 3 ha nằm bên hồ Ea H’ră tạo cảnh quan thơ mộng.

Một tuyến đường xanh – sạch – đẹp ở buôn Tring.

Bà H’Lil Mlô, người có uy tín ở buôn Tring chia sẻ, để có được những thành quả trên, người dân trong buôn đã đồng lòng, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, bảo ban nhau truyền giữ văn hóa truyền thống dân tộc; đặc biệt luôn tin và làm theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đến buôn Dlung 1A và Dlung 1B (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) dễ nhận thấy mọi ngõ ngách, đường sá trong buôn đã và đang được bê tông hóa sạch đẹp, khang trang. Với người dân hai buôn, dù cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, thế nhưng ai cũng nhận thức được khi đường đi lại rộng rãi, sạch đẹp thì việc giao thương càng thuận lợi, thúc đẩy cuộc sống phát triển hơn.

Do đó, cuối năm 2022, khi được Nhà nước hỗ trợ 13,5 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo 10 trục đường với tổng chiều dài trên 3 km thì các hộ dân có đất ở, đất canh tác dọc hai bên các tuyến đường đều đồng lòng tháo dỡ hàng rào, chặt phá cây trồng; thậm chí tự dỡ đi một phần ngôi nhà đang ở để hiến đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công sớm triển khai thực hiện.

Anh Y Hip Kbuôr, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Dlung 1A phấn khởi nói: “Trước đây, các con đường trong buôn là đường đất nhỏ nên việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Dù biết “tấc đất, tấc vàng”, đất đai là tài sản có giá trị, nhưng khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hiến đất làm đường thì người người, nhà nhà đều đồng lòng hưởng ứng”.

Một tuyến đường xanh – sạch – đẹp ở buôn Tring.

Hay như ở buôn Bhôk (xã Yang Tao, huyện Lắk), dù bà con người dân tộc thiểu số nơi đây kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chung tay đóng góp kinh phí, ngày công để kéo điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm nhằm thay đổi diện mạo buôn làng, nâng cao chất lượng đời sống. Các hộ dân còn tham gia trồng hoa giấy hai bên trục đường chính của buôn để điểm tô buôn làng sáng – xanh – sạch – đẹp; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội. Còn nhớ trước đó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh nói chung, ở buôn Bhôk nói riêng, bên cạnh sự quyết liệt của các cấp, các ngành thì người người, nhà nhà trong buôn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo nên sức mạnh và niềm tin để vững vàng vượt qua đại dịch. Trong đó, ngoài việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh thì người góp công, người góp của để tiếp thêm động lực và niềm tin cho lực lượng tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ người dân, bảo vệ quê hương trong “cuộc chiến giữa thời bình”.

Trần Tuấn

Related post