Giàu mà đi lấy ATM gạo

 Giàu mà đi lấy ATM gạo

Mấy hôm nay, tôi thấy các báo, đài, quay phim ghi hình một người phụ nữ và 2 đứa trẻ (trông có vẻ khá giả) xếp hàng lấy ATM gạo dành cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Người phụ nữ và 2 đứa trẻ này đã nhận được không biết bao nhiêu “gạch đá” từ công luận. Từ vấn đề này tôi có một số ý kiến với những nhà báo, quay phim. Tôi cố gắng sắp xếp theo thứ tự tầm quan trọng:

(1) Sai lầm thống kê: Tất cả hình ảnh chụp được, quay phim, không hề đề cập đến thống kê. Trong 100 người đến lấy gạo, thì có mấy người như vậy. Nhà báo và quay phim vô hình trung cho thấy, dưới con mắt của người trong nước và người ngoài nước, là hình ảnh người Việt Nam xấu xí. Tôi cho rằng hiện tượng này không phổ biến. Bạn đã làm ngược chiều. Thay vì như vậy, bạn nên quay những người nghèo nhận được gạo và cảm xúc của họ. Lúc ấy, bạn sẽ giúp cho mọi người thấy lòng tốt của các nhà hảo tâm. Trẻ con và người lớn cũng học được bài học giáo dục này;

(2) Vi phạm nhân quyền. Các nhà quay phim và chụp hình đã chụp hình trẻ con và người lớn làm chuyện này một cách rõ ràng. Nếu bạn là người tốt, thì bạn khuyên bảo họ không nên làm, chứ không nên quay phim và chụp hình đưa lên công luận như vậy. Những đứa trẻ còn đang đi học, thì làm sao nó gặp bạn bè và người phụ nữ nữa. Vì muốn cho nhiều người đọc, ở mục (1) bạn đã làm ngược chiều rồi, thì sang mục thứ (2) bạn đã không cho họ con đường sống nữa;

(3) Tôi cố gắng hết sức bình sinh để hiểu rằng nhà báo làm chuyện này làm gì: (a) Thu hút sự quan tâm của người đọc; (b) hiệu chỉnh hành vi xã hội. Có bao nhiêu người như vậy? Hay là quá ít ỏi, cá biệt trong tổng thể những người đi lấy ATM gạo; (c) một sự khuếch đại lên từ media về một hình ảnh xấu Việt Nam. Trong 1000 người, có 1 người như vậy và bạn chỉ nói về 1 người; tôi cho rằng là mục (a) và (c).

(4) Nếu tôi là nhà báo hay nhà quay phim lương tâm, thì tôi sẽ theo dõi tổng thể những người nhận gạo. Tôi sẽ lọc ra những người đúng đối tượng và không đúng đối tượng. Tỷ lệ mỗi bên. Phỏng vấn sâu và viết. Đọc giả mới hình dung ra được. Nhưng làm như vậy bạn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Còn tin giật gân thì thu hút ngay đọc giả đói tin. Bụng cồn cào quá mà. Vừa thấy hình ảnh xong, xuống ngay nhận xét: đê tiện, khốn nạn và trăm ngàn từ ngữ khiếm nhã khác. Thay vì bạn hướng đọc giả vào cái đẹp, thì bạn xem ngoài xã hội có ai hở hang cái gì đó thì viết lên.

Kết luận: Ở mục (1) bạn đã không cho chữ TRÍ; mục (2) thì bạn không có chữ ĐỨC; mục (4) thì bạn không có chữ TÂM; và cuối cùng mục (3) thì bạn đã kẹt vào chữ DANH và chữ LỢI.

DakLak360

Related post