Ông Hậu (chủ tịch phường), tức chồng của bà Nguyệt, cùng với phó bí thư Thoa, đưa bà Nguyệt vào danh sách “hộ nghèo” để vay vốn chính sách. Hai người, ông Hậu và bà Thoa vẫn tái đắc cử vào ban chấp hành đảng ủy của phường 2020-25.
Sau đó, ông Pho, cán bộ tư pháp, tố cáo hành vi lợi dụng “quyền lực” để đưa vợ mình vào hộ nghèo để hưởng lợi. Bà Nguyệt thấy làm như thế là cản bước đường “quan lộ” của chồng mình, cho nên chi 10 triệu thuê côn đồ, giang hồ sử dụng “bạo lực” với ông Pho.
Mình rút ra kết luận:
(1) Có 2 người người sai phạm, nhưng vẫn tái đắc cử?
(2) Có sự kết hợp giữa “quyền lực” và “bạo lực” trong việc trấn áp người tố cáo; Vừa chuyên chế, vừa giang hồ lưu manh thì dân sống sao nổi;
(3) Xem xét để quyết định hộ nghèo hay không nghèo, thì có cả một hội đồng, chứ đâu có giao cho một vài người như ông Hậu và bà Thoa;
(4) Nhờ công luận mới biết chuyện này.
Thông qua chuyện này, thì phải thiết kế thể chế kiểm tra chéo lẫn nhau (cross-checked institution), tức là công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, chuẩn hóa như thế nào là “hộ nghèo”, thanh tra, giám sát, vai trò của người dân và hội đồng nhân dân, mặt trận và các cơ quan đoàn thể. Tam quyền phân lập chưa có thì sử dụng nguồn lực như vậy cũng tạm, có điều chi phí giao dịch quá cao và không có yếu tố “răn đe” người chuẩn bị và sắp sửa phạm tội.
Hệ thống “trót đã nhúng chàm” rồi và ai cũng biết ai cũng như vậy, thì hành vi con người trong hệ thống ấy, không thể “quay đầu là bờ” được. Mày tố giác tao, thì tao cũng tố giác mày. Mày với tao cùng “ngậm miệng ăn tiền”. Nhưng cũng đừng ăn quá mà chết cả lũ. Ăn một cách điều độ, chừng mực, trật tự, trong vòng kiểm soát. Nếu chức nhỏ thì ăn kín đáo, chức lớn thì có thể không cần kín đáo, nhưng chức vụ lớn nữa thì quay lại kín đáo, còn chức vụ lớn quá, thì có người ăn thay và tất nhiên, sẽ là “hình nhân thế mạng”. Số tiền ăn hối lộ tăng dần thì quy luật cũng tương tự. Số người “cài cắm” vào hệ thống cũng tương tự.
Thế “tiến thoát lưỡng nan” trong lý thuyết trò chơi, buộc người chơi phải chơi liên tục với một hành vi nhất định cho trước. Không cho phép người chơi thay đổi hành vi hay dừng cuộc chơi, trừ phi về hưu (infinity game versus finity game). Văn hóa “thù dai” (đem một người ra xử tội vi phạm cách hàng chục năm) thì càng làm củng cố hành vi con người về một phía nhất định, bất di bất dịch theo cái kiểu “chết cũng không khai”.
Nói chung, bộ máy nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, sợ trách nhiệm, không hiệu quả, không hiệu lực, tư lợi, ăn bám vào “bầu sữa” ngân sách. Hệ thống này tồn tại quá nhiều, quá rộng, quá sâu và quá lâu. Cần tiến đến giao trách nhiệm và quyền hạn cá nhân cụ thể trên đầu công việc.
Mình chỉ sợ báo chí không phải lúc nào cũng có mặt mọi lúc mọi nơi và đưa tin kịp thời?
Tất cả nhận xét trên mình chỉ suy diễn thôi, rất có thể là vô minh, nhưng hình bên dưới thì chị Nguyệt cười tươi quá.