Định hình những đô thị chủ đề: Hướng phát triển cho TP. Buôn Ma Thuột
Trong xu hướng phát triển, TP. Buôn Ma Thuột rất cần tăng thêm diện tích đất ở đô thị, hình thành những khu, cụm đô thị mới, văn minh, hiện đại hơn mà vẫn gắn kết được các giá trị văn hóa, xã hội truyền thống. Vấn đề này đặt ra lựa chọn cho địa phương, có nên định vị đầu tư những đô thị chủ đề?
Với các nhà quy hoạch đô thị, khái niệm đô thị chủ đề không hề mới. Đó là việc quy hoạch, định dạng các đô thị mới tại các thành phố lớn cần được tổ chức bài bản hơn, bảo đảm tạo ra những quần thể cư dân sinh hoạt có đủ hạ tầng kỹ thuật, pháp lý, cơ sở văn hóa, xã hội, môi trường và nhất là điều kiện sinh kế làm ăn. Mỗi khu đô thị cần có một định dạng quy hoạch để xây dựng và phát triển bền vững, có tính liên kết với nhau và bám sát những giá trị thực tế, được bản địa hóa tại địa phương nhằm khai thác tốt nhất các giá trị cộng đồng.
Những đô thị chủ đề
Thực tiễn phát triển các đô thị Việt Nam từ sau năm 2009 đến nay cho thấy, có một dòng chảy định hướng các “mô típ” đô thị hóa nhắm vào khai thác tối ưu những giá trị gia tăng bất động sản, các giá trị thương mại với phân khúc nhà ở đô thị. Các đô thị mọc lên đều được gắn cho những cái tên mỹ miều, những thông tin tô vẽ về không gian sống tiện nghi thuận lợi, trải nghiệm cuộc sống đẳng cấp, xa hoa, độc đáo… Các chủ đầu tư, những nhà khai thác nhà ở khu đô thị thường tập trung so sánh những lợi thế an cư, đắc địa dạng “đất vàng, đất bạc” theo thời giá thị trường. Tất cả tạo nên những viễn cảnh đời sống tươi đẹp tại các dự án đầu tư, phát triển các khu đô thị, thậm chí là đại dự án đô thị.
Điều đáng tiếc là khi chú tâm vào những mô hình đô thị sung túc đó, các chủ đầu tư đều lặp lại một mô típ giống nhau, giữa các dự án đô thị không có sự sai biệt nào. Việc khai thác thương mại hạ tầng đô thị theo đó chỉ giản đơn bán đất nền, bán nhà phố phân lô, nhà ở chung cư thương mại… với cư dân sống rời rạc manh mún với nhau. Nhiều cư dân đô thị gần như không có liên hệ qua lại với hàng xóm láng giềng của mình. Các khu đô thị thiếu đi khả năng liên kết đời sống văn hóa cư dân, không tạo được những nhóm thị dân cùng sinh sống và làm việc, cùng được thỏa mãn các nhu cầu đời sống hằng ngày.
Bởi thực trạng đó, các nhà quy hoạch, kiến trúc đô thị đưa ra những định hướng cần thiết cho các đô thị bền vững ở tương lai. Đó là cần xây dựng những đô thị có tiêu chí văn hóa cộng đồng, chọn chủ đề thu hút đầu tư, phong cách sống hài hòa cho cư dân. Dựa trên chính những yếu tố văn hóa, kinh tế địa phương, các khu đô thị nên được định dạng phát triển theo những hướng khai thác, nâng tầm vị thế văn hóa, xã hội và kinh tế trong thiết kế, đầu tư.
Đơn cử tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, người ta dần bắt gặp những đô thị chủ đề về một dòng sông, một loài hoa, hay một nét văn hóa truyền thống nào đó, là tâm điểm thể hiện những ý tưởng quy hoạch, đầu tư đầy tính nhân văn hơn. Đơn cử tên gọi các khu đô thị Sala với hình ảnh hoa Sala (Phật giáo), hay Dragon (hình ảnh con rồng trên nhánh sông liền kề) nhằm thể hiện những bối cảnh đô thị văn hóa hơn, mong thu hút, quần tụ những cộng đồng thị dân sâu sắc hơn.
Tạo dựng những diện mạo mới
Một cá nhân tham gia thiết kế dự án đô thị Làng châu Âu Trung Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, ý tưởng của chủ đầu tư là phải tạo được một quần thể cư dân cùng thấu hiểu, chiêm nghiệm những giá trị tinh hoa, hấp dẫn từ thủ phủ cà phê. Đây là lý do để khu đô thị này, được thiết kế với cảm hứng hạt cà phê, từ bố cục, đến từng khối nhà ở, họa tiết trang trí ở từng block nhà phố, đều gắn liền hình ảnh hạt cà phê. Không chỉ đặt ở ngay trung tâm đô thị mới một bảo tàng cà phê, chủ đầu tư còn mong những khu vực hạ tầng thương mại ở đây sẽ nhanh chóng lấp đầy bởi những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu cà phê, với các shophouse là sàn giao dịch cà phê, nơi chia sẻ những ý tưởng thăng hoa về văn hóa cà phê, đánh thức những giá trị tiềm ẩn trong cư dân đô thị về một nền văn hóa giao thoa đặc sắc và hấp dẫn. Nếu xây dựng thành công, rõ ràng Buôn Ma Thuột sẽ có một khu đô thị chủ đề cà phê ngay giữa dòng chảy đô thị mới, cực kỳ sáng tạo và ấn tượng.
Tương tự tư duy ấy, những khu đô thị hiện được xây dựng ở TP. Buôn Ma Thuột đang dần định hình những chủ đề riêng biệt. Khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập) với biểu tượng Ngọn lửa cao nguyên nhắm đến định hình một khu đô thị, dân cư giàu bản sắc văn hóa kết nối, giao lưu đa dạng giữa cộng đồng cư dân, phát huy các giá trị, cơ hội thương mại lan tỏa, vừa hiện đại, vừa truyền thống. Hình ảnh ngọn lửa ở khu đô thị này đi cùng những hình ảnh, biểu trưng văn hóa các dân tộc sẽ bài trí ở đây, với những huyền thoại, sử thi, bảo tàng mini, nhà văn hóa cộng đồng… chắc chắn khơi gợi một cảm hứng văn hóa xã hội giàu tính nhân văn cho các cư dân. Khu đô thị Eco City Premia cũng lấy chủ đề, hình ảnh về voi Tây Nguyên để hội tụ ý nghĩa cộng đồng văn hóa bền vững, nối tiếp các giá trị văn hóa lâu đời trên vùng đất đỏ cao nguyên. Biểu tượng đôi voi kề bên mang những ý nghĩa sâu sắc về tinh thần đoàn kết các dân tộc, và cơ hội cộng đồng cư dân có tính chất hội nhập, tiếp nạp nhiều giá trị văn minh thương mại, trên tinh thần tôn trọng giá trị cơ sở của địa phương.
Rõ ràng những đô thị chủ đề này đang dần định hình, để kỳ vọng ngày một rõ nét, được ủng hộ phát triển, qua đó hấp dẫn những nhà đầu tư, những cộng đồng cư dân tương cận về văn hóa và bản sắc đời sống.
Nguyên Đức