Đào tạo kỹ năng bán hàng cho những người bán hàng ở chợ, hàng rong

Đào tạo kỹ năng bán hàng cho những người bán hàng ở chợ, hàng rong
Tuần này, mình sẽ nói về những người bán rong. Các bạn phải thâm nhập một cách trọn vẹn vào thế giới của họ, để được hiểu họ một chút.
Nếu không có cái chuyện người xướng ngôn viên đài VTV dám to gan “chơi lớn”, ví những người bán rong như những con ký sinh trùng sống bám trên những con phố, thì nhất quyết câu chuyện bên dưới mình sẽ không bao giờ kể ra.
Mình có tham gia báo cáo diễn đàn về giáo dục tại Seoul, Hàn Quốc. Đêm liên hoan cuối cùng để sáng hôm sau về Việt Nam, thì mọi người đến chúc mừng mình vì có một bản báo cáo hay. Ông thứ trưởng có nhã ý mời mình ở lại thêm một tuần để tham quan các thành phố ở Hàn Quốc.
-Mình thật tình nói: “Vé máy bay của tôi là sáng mai và nếu có ở lại tôi cũng không mang theo tiền”
-Ông thứ trưởng: “Đưa vé và hộ chiếu cho tôi!”
Kinh nghiệm đi ra khỏi Việt Nam, thì trên người có hộ chiếu và vé, nên mình đưa cho ổng. Chỉ một cú điện thoại là mình ở lại.
Sau bữa tiệc ấy, mình được đưa về khách sạn, lấy hành lý và bắt đầu chuyến hành trình tham quan các thành phố lớn ở Hàn Quốc. Ngài thứ trưởng chở mình đi ngay trong đêm và gửi mình vào một trường đại học. Trường đại học ấy lo mọi thứ cho chuyến tham quan một tuần của mình. Mình đến tham quan thành phố Busan, Kwang Ju và một số thành phố khác.
Trong một lần ra chợ ở thành phố Kwang Ju, mình thấy một lớp học dành cho những người bán hàng, bán rong trên các con phố.
Với tính hiếu kỳ và học hỏi, mình xin thầy giáo vào dự giờ ở cuối lớp, biết đâu học hỏi gì được và được đồng ý. Trong lớp có nhiều thầy cô giáo, chứ không phải một thầy hay một cô. Mục tiêu lớp học là đào tạo kỹ năng bán hàng (sale technician). Thầy cô là các chuyên gia tâm lý học, xã hội học và quản trị học. Khóa học là thực hành, vì người bán hàng không có nhiều chữ để học lý thuyết. Họ kêu 2 người lên, giả lập là người bán và người mua. Công việc mua bán được ghi hình. Sau đó, được trình chiếu trước lớp và các thầy cô cùng nhau bình luận khen chê, từ cách chào hỏi, ngôn ngữ sử dụng, ánh mắt, thái độ, nụ cười, cách gói hàng và nhiều thứ khác. Mình cũng được học đúng nghĩa. Mình muốn những người bán hàng ở Việt Nam cũng như vậy.
-Một buổi sáng tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu, mình đề cập câu chuyện này với thầy Trần Hoàng Ngân: “Thầy Ngân! Trong một xã hội, mọi người đều học hỏi và tiến lên. Em thấy những người bán hàng rong, chợ, không được học. Mình tiếp xúc với họ, thì mình cũng bị cản trở và họ vẫn cứ bán hàng như bao đời và không nâng cấp. Xã hội mình không để ai tụt lại phía sau trong tiến trình hội nhập phải không thầy Ngân?”
Ngay ngày hôm sau, thầy Ngân đã đem câu chuyện này trình bày ủy ban nhân dân thành phố. Thành phố sử dụng quỹ “hội nhập” để đào tạo cho những người bán hàng ở chợ, bán rong. Nếu bạn chỉ gõ vào google thuật ngữ “đào tạo tiểu thương ở chợ” là câu chuyện này. Có nhiều giảng viên của khoa kinh tế tham gia giảng dạy. Sau đó, có rất nhiều lớp học được tổ chức. Mình rất biết ơn thầy Ngân về chuyện này.
Sau đây, mình kể về một trong những tình huống giả lập và ứng xử người bán hàng.
-Thầy hỏi: “Giả sử em bán tàu hủ (thường là người Quảng Nam), có một thằng nghiện đến mua, thì em ứng xử như thế nào?”
-Cô bé bán rong: “Em không thể không bán! Em vừa bán và vừa mong cho nó ăn nhanh nhanh để đi bán nơi khác, vì khi có người nghiện ngồi đó ăn thì đố ai dám vô ăn”. Cô bé trả lời tự nhiên.
-Thầy giáo tiếp tục phát triển vấn đề: “thằng nghiện ăn xong, đá cái chén và nói “tao đếch trả tiền” thì em làm như thế nào?”
-Cô bé bán rong: “Em sẽ túm áo nó bắt nó trả tiền. Em sẽ nhờ mọi người kêu công an”
-Thầy giáo tư vấn: “Không thể! Nó bị sida, sắp chết rồi! Không thể nói luân lý thông thường với nó được mà phải đánh động, thức tỉnh lương tâm của nó”
-Thầy nói tiếp: “Em hãy cuối xuống nhặt cái chén, muỗng và nói “tại chú không có tiền, chú nói vậy thôi! Chú mà có tiền thế nào chú cũng trả cho cháu mà! Chú biết cháu buôn bán cực khổ mà”. Nó sẽ trả tiền cho em khi nó có, có thể không phải ngay lúc này”.
Câu chuyện ngày mai sẽ là “tâm lý của những người bán rong”, ngày mốt “văn hóa hàng rong”, và những bài khác.
Exit mobile version