Trước quy định các ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế, giới bán hàng đã truyền nhau nhiều chiêu thức để “né thuế”.
Từ ngày 5/12, các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế, ngày mở và đóng tài khoản theo Nghị định 126.
Trước quy định trên, theo tìm hiểu, nhiều chủ shop bán hàng online đăng thông báo trên mạng để thông tin cho khách hàng: khi chuyển khoản tiền hàng không cần ghi thanh toán tiền hàng gì, không nhắc đến từ hàng hóa, chỉ cần ghi nội dung “tên” hoặc thông tin ngoài lề và chụp màn hình chuyển khoản là được. Khi khách gọi điện đặt hàng, người bán cũng chủ động dặn dò.
Khảo sát trực tiếp tại một cửa hàng, chủ shop cũng biết các thông tin về quy định pháp luật. Theo chị, các sao kê chuyển khoản ngân hàng là cách cơ quan thuế rà soát người bán hàng online sâu sát nhất và ít bỏ lọt thông tin. Còn việc rà soát trên Facebook hay các đơn vận chuyển sẽ vẫn có bỏ sót. Theo chị, cơ quan thuế đang bắt đầu rà soát kỹ tại một số địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng đều không đồng tình với chiêu trò này. Việc né tránh nghĩa vụ thuế là không trung thực và thiếu công bằng với những người kinh doanh truyền thống.
“Shop online không mất tiền thuê mặt bằng giá bán sẽ rẻ hơn, như vậy sức cạnh tranh không công bằng với những shop thuê mặt bằng”, chị Trần Thị Hoài Thương cho biết.
Tổng cục Thuế cho biết cá nhân, tổ chức trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách này hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế tìm ra dựa trên các “dấu vết” thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử. Người kinh doanh online giao dịch mạnh mẽ và nhiều lần trên môi trường thương mại điện tử sẽ không thể ẩn danh quá lâu. Nghị định 126 với các công cụ hỗ trợ sẽ giúp xác định và minh bạch rõ các khoản thuế này.
Theo VTV.VN