Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động hàng không quốc tế phải tạm ngưng, hàng chục nghìn người nước ngoài đang bị “mắc kẹt” tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ hoàn toàn yên tâm khi chọn ở lại Việt Nam.
Hơn 60.000 người nước ngoài “mắc kẹt” tại Việt Nam
Trong suốt hơn 1 năm qua, Việt Nam và thế giới phải trải qua giai đoạn khủng hoảng vì dịch Covid-19. Hàng trăm nghìn người mất việc làm, du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động hàng không quốc tế phải tạm ngưng. Hiện tại, theo thống kê, có đến hơn 60.000 người ngoại quốc đang bị “mắc kẹt” tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người đều cảm thấy may mắn khi có thể ở lại Việt Nam, một trong những đất nước phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất trên thế giới.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Assane, đến từ một quốc gia vùng Tây Phi, cho biết bản thân lên kế hoạch du lịch Việt Nam trong 1 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh phải ở lại Việt Nam suốt 8 tháng.
“Hiện tại thì có rất nhiều du khách ở đây không có tiền để trang trải. Kế hoạch của tôi trước khi đến đây là chỉ ở Việt Nam khoảng 1 tháng. Nhưng đến nay đã là 8 tháng rồi. Kế hoạch của tôi bị đổ bể… Nhưng đến bây giờ tôi vẫn sống sót”, anh Assane chia sẻ.
“Tôi rất may mắn khi được ở đây”
Anh Eddy Dinshaw, đến từ Houston Texas, Mỹ, dù lo lắng vì không có công việc trang trải chi phí cuộc sống nhưng vẫn cảm thấy rất may mắn khi được ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ tôi rất may mắn. Tôi không muốn bị nhiễm virus, tôi không muốn chết, không muốn bị bệnh. Tôi không muốn có những cái lỗ trong phổi của mình. Và tôi rất may mắn khi được ở đây nhưng tôi không có công việc.
Tôi sống ở đây bằng thẻ visa du lịch. Và hàng tháng, tôi phải chi trả cho căn hộ mà tôi đang thuê, chi trả cho mọi thứ và cả ly cà phê tôi đang uống… Tôi không có nhiều tiền, ý tôi là có nhưng không thể cầm cự được lâu. Tôi rất cần một công việc”, anh Eddy Dinshaw tâm sự.
Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Anh Eddy Dinshaw cho biết gia đình mình đã có nhiều người nhiễm Covid-19.
“Tình hình dịch ở Mỹ rất tệ, có rất nhiều người chết. Anh trai tôi ở nước Anh cũng bị nhiễm Covid-19. Anh họ của tôi ở Houston cũng bị nhiễm nhưng anh ấy đã vượt qua được. Cho nên khá là tệ, có khoảng nửa triệu người chết vì Covid-19 rồi”, anh Eddy Dinshaw kể lại.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng dịch bệnh lây lan. Mọi người đồng lòng, đoàn kết từ những hành động nhỏ nhất đã giúp Việt Nam nhiều lần chiến thắng làn sóng Covid-19.
“Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Còn ở nước tôi, mọi người lại quan tâm đến việc đeo khẩu trang không ai nhận ra ai. Thi thoảng nó còn gây ra vấn đề về việc xác minh danh tính. Mọi người ở đây rất có trách nhiệm.
Và tôi nghĩ rằng điều đó rất tốt, như bạn thấy đấy, bây giờ mọi người rất là thoải mái. Thậm chí tôi còn thấy xấu hổ khi nói chuyện mà không đeo khẩu trang”, anh Daniel đến từ Vương quốc Anh chia sẻ.
“Các bạn là những con người mạnh mẽ, những linh hồn người Việt kiên cường”
Theo anh Alexandria (đến từ Mỹ), sự đoàn kết là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam vượt qua dịch bệnh.
“Mọi người ở đây đeo khẩu trang rất cẩn thận. Sự đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam đã giúp ích rất nhiều. Như nước Mỹ của chúng tôi, mọi người đến từ đất nước khác nhau, nền văn hóa khác nhau. Nó sẽ càng khó khăn hơn cho mọi người khi được yêu cầu đoàn kết lại với nhau.
Ở Việt Nam, mọi người càng dễ dàng làm được điều đó. Các bạn là những con người mạnh mẽ, những linh hồn người Việt kiên cường”, anh Alexandria chia sẻ.
Trong dịp Giáng sinh vừa qua, Việt Nam là một trong những đất nước hiếm hoi trên thế giới tổ chức rất náo nhiệt, đông đúc.
“Tôi rất vui khi thấy mọi người tổ chức Noel tại đây. Khi mà 1 người Mỹ lần đầu tiên tới Việt Nam, bạn sẽ không biết chắc là mọi người tổ chức lớn như thế nào. Nhưng thực sự, các bạn làm rất tốt”, anh Alexandria cho biết.
Trong khi đó, anh Palomba Franco Augusto (Ý) khẳng định y học Việt Nam đã tân tiến hơn rất nhiều. “Tôi thấy hầu hết người nước ngoài đang tạm trú ở Việt Nam do dịch đều thích ở Việt Nam hơn tại vì y học Việt Nam đã tân tiến hơn nhiều, rất tuyệt vời”, anh Palomba Franco Augusto khẳng định.
Trước đó, vào đầu năm 2020, một dự án mang tên “Việt Nam Cố Lên” đã được những người ngoại quốc yêu quý đất nước và con người Việt Nam thực hiện. Họ đã cùng nhau gửi thông điệp cảm ơn đến những người nơi tuyến đầu chống dịch tại Việt Nam bởi những nỗ lực giúp cho họ được an toàn, khỏe mạnh trong đại dịch.