Chữ “không” trong phật pháp

 Chữ “không” trong phật pháp

Phim Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân (1500–1581), đạo diễn Dương Khiết (1929–2017), được trình chiếu ở Việt Nam vào đầu năm 1990. Mọi người đều xem và mọi người đều hiểu, theo cách hiểu của họ. Nhưng có một cảnh, tưởng mọi người hiểu, nhưng hầu như mọi người không hiểu. Đó là cảnh gì? Khi năm thầy trò Đường Tăng đến đất phật để thỉnh kinh. Đến đoạn lấy kinh. Người giữ kinh đưa ra toàn kinh giấy trắng. Tại sao vậy? Chữ “tâm” trong Đường Tăng; Chữ “trí” trong Tôn Ngộ Không; chữ “thân” trong Trư Bát Giới; chữ “thiện” trong Sa Tăng và chữ “nhẫn” trong Bạch Long Mã (hoàng tử của Long Vương). Tất cả năm chữ này hợp lại là chữ “phật”. Phật tại tâm. Phật trong chính năm thầy trò. Tìm đâu nữa. Cho nên, nhà phật mới đưa ra kinh không có chữ. Chữ “không” ở đây không phải là không, mà là tất cả.

Nhiều năm, tôi giảng bài ở viện Nông Nghiệp Việt Nam, Hà Nội. Tôi được ở trong một phố cổ, phố hàng Bông, mỗi năm ở ba tuần. Hàng ngày, tôi chứng kiến thấy người ta chen chút nhau buôn bán, ganh đua nhau từng chút, từng chút một. Ba tuần là ba tuần sống cùng với tiếng chửi, quát tháo, mắng mỏ bằng những lời khiếm nhã. Những ánh mắt nảy lửa khi khách hàng hỏi mà không mua hay đậu xe lấn sang hàng bên một chút. Có khi họ còn đánh nhau. Có khi có những chuyện quá nhỏ, có thể bỏ qua cho nhau, nhưng họ hơn thua nhau từng chút, phải làm cho ra nhẽ. Cuộc sống thật là ngột ngạt. Tôi tìm hiểu có thể do khó khăn về kinh tế mà họ là như vậy? Cũng không phải luôn. Họ là những người giàu có buôn bán trong phố cổ.

Tôi không có ý định nói về tất cả những người ở phố cổ. Chắc có lẽ là chỉ một nhóm nhỏ người xung quanh tôi mà tôi thấy ở đây thôi. Trước cảnh tình này, tôi viết về một chữ không trong nhà phật.


Muốn biết chữ không, trước hết, chúng ta phải nắm thật vững giáo lý nhân duyên.

Nhân duyên, không chủ thể, không cố định

Trước hết chúng ta thử xem xét trên thế gian này có cái nào không phải nhân duyên sinh ra hay không? Như chúng ta nhìn thấy ngôi nhà, vậy ngôi nhà từ đâu mà thành? Ai cũng biết đều do thiết kế, kỹ sư, nhân công, thợ, gạch, cát, đá, xi măng và các vật liệu xây dựng khác hợp lại thành ngôi nhà. Chớ không bao giờ bỗng dưng nó tự thành, phải đủ nhân, đủ duyên hội hợp mới có. Nhân duyên thì không phải một thứ, mà rất nhiều thứ, tụ hợp lại thành sự vật. Cũng vậy, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian này có cái nào vượt ngoài vòng nhân duyên đâu. Ngày nay, khoa học phân tích sự vật, mà phân tích sự vật thì không vật nào tự nó có, tất cả đều do sự kết hợp nhiều thành phần mà có.

Sự vật không tự có, không phải ngẫu nhiên có, cũng không do ai làm ra, chỉ khi nhân duyên tụ hội thì sự vật hiện có, thiếu duyên thì sự vật ly tán. Từ cái nhà, chúng ta nhìn tới cái bàn, cái ghế, vật nào không phải từ nhân duyên sinh? Cây cối trước mắt chúng ta cũng là nhân duyên, rồi đến con người có phải từ nhân duyên không? Nếu nói đơn giản là do tinh cha, huyết mẹ kết tụ lại thành thân con người. Ngày nay, với con mắt y học, người ta phân tích có bao nhiêu tỷ tế bào, phân ra từng loại rồi phối hợp lẫn nhau. Nhờ chúng phối hợp, phát triển, thì thân chúng ta còn sống, nếu chúng hư hoại thì thân này tan nát. Như vậy, tất cả sự vật trên thế gian không có cái nào thoát ra ngoài nhân duyên.

Như xét cái đồng hồ, vật gì là chủ thể của nó? Chúng ta không thể nói cây kim là chủ thể, số là chủ thể. Bộ phận nào là chủ thể cũng không được, mà do đủ các bộ phận ráp lại thành cái đồng hồ. Như vậy, duyên hợp thì nó có, nếu các bộ phận phân tán ra thì đồng hồ cũng không. Trước mắt, chúng ta thấy có đồng hồ, nhưng thực thể cái đồng hồ có hay không? Chỉ là duyên hợp tạm có, chớ không thật, vì nó không có chủ thể. Bởi không có chủ thể nên đủ duyên nó còn, thiếu duyên nó mất, không có gì cố định hết. Như vậy, làm sao nói đồng hồ là thật được. Đã không thật thì cái gì là chủ thể của nó, chẳng qua duyên hợp tạm có, duyên hết hoàn không.

Con người do nhân duyên sinh, nên không chủ thể, không cố định. Muôn vật trên thế gian này do nhân duyên sinh, cũng không chủ thể, không cố định. Tuy không cố định, không chủ thể, nhưng đồng hồ vẫn có, đủ duyên thì nó xuất hiện. Hiểu lý này rồi chúng ta mới bước qua bước thứ hai là chữ không.


Chữ “không”

Chúng ta đừng lầm chữ không là trống rỗng, không có gì hết. Không là đối với có. Nhưng chữ không đây là ngay nơi sự vật xuất hiện trước mắt, tay sờ mó được song chủ thể nó là không, không cố định. Như vậy, dù mắt thấy, tay sờ mó được mà nói là không, đó là không chủ thể, không cố định. Không là vì nó do nhân duyên sinh nên không chủ thể, nhưng vẫn có giả tướng của nó khi đủ duyên tụ hội.

Con người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, không cố định. Chỉ là cái “ta” tạm bợ, còn hay mất là tùy duyên, không có giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận cái “ta” là thật, sự vật là thật. Chúng ta gọi sự lầm nhận đó là vô minh, là si mê.

Chúng ta thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không? Nếu thân chắc chắn chân thật thì không bao giờ hoại. Vì do duyên hợp nên thiếu duyên thì nó sanh ra bệnh tật rồi đi đến bại hoại. Đó là lẽ thật, không còn gì nghi ngờ nữa. Vì vậy, chữ không là không có thực thể, chớ không phải không ở giữa cái có và cái không. Người ta cứ ngỡ cái bàn trước mắt là có, hư không trống rỗng là không. Đó là cái có không của người đời, còn không của nhà phật là không thực thể. Vì vậy, nhà phật nói thân này là vô ngã. Vì vô ngã nên không chủ thể, bởi không chủ thể nên tùy duyên mà thành, tùy duyên mà hoại, không phải lúc nào cũng nguyên vẹn.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa của chữ không rồi thì đối với sự vật xuất hiện trước mắt, tay sờ mó được là thật có hay thật không? Nói thật có hay thật không đều sai cả vì nó tạm bợ, chỉ có “giả tướng” xuất hiện.

Tất cả sự vật nếu nói có thì vật nào cũng có hết. Tại sao? Vì trên “giả tướng” mắt thấy, tay sờ mó được. Còn nếu nói không thì tất cả đều không hết, vì chúng là duyên hợp không thật. Không thật nên nói là không. Như vậy, nói có và không giống như mặt trăng dưới đáy nước. Đêm rằm, ta nhìn xuống hồ nước, thấy mặt trăng hiện dưới đáy nước. Mặt trăng ở đáy nước là thực có hay thực không? Nếu thực có sao đưa tay vớt lên không được. Nếu thực không sao mắt chúng ta thấy rõ ràng.

Muôn sự vật ở thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước, nhìn thấy như có, nhưng rốt cuộc không thực thể. Cho nên có cũng như không, chỉ vì duyên hợp tạm có. Người ta cứ ngỡ rằng những gì mắt thấy tai nghe là thực có, nhưng không ngờ chúng là duyên hợp. Đã là duyên hợp, chúng ta đừng lầm chấp nó thật, thì sẽ không đau khổ. Nếu thấy được lý này thì chúng ta sẽ thấy hay vô cùng.

Chúng ta thấy cái gì cũng thật nên dễ nhiễm, dễ kẹt. Cho nên si mê là động cơ chủ yếu đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Từ sai lầm đó khiến chúng ta không thấy lẽ thật, rồi bị chìm đắm trong sinh tử, kiếp này kiếp nọ khôn cùng.

Từ con người cho tới muôn vật đều “giả có”, không có thực thể. Đã là “giả có” mà chúng ta thấy thật thì đó là mê lầm, “giả có” mà nói không thì trái với lẽ thật. Vì vậy, không thể khẳng định là không. Phải biết muôn sự muôn vật trước mắt chúng ta là tướng duyên hợp giả có.

Ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không có thực thể, không cố định (trong bài khổ cũng đề cập). Nếu thấy thân năm uẩn duyên hợp hư dối, thì có ai chửi thân năm uẩn này chúng ta thấy sao? Thân năm uẩn đã không thật, thì lời chửi có thật đâu. Chẳng qua cũng là tạm bợ hư giả thôi. Mình hư giả, người hư giả, lời nói hư giả, có gì mà khổ, có gì mà phiền. Cho tới tất cả những thiệt thòi, khổ sở khác, nếu xét kỹ chúng có thật không? Cũng không thật. Như vậy, có gì làm chúng ta khổ sở đâu? Chỉ cần dùng trí tuệ soi thấu muôn sự vật, soi thấu lại bản thân mình đều là duyên hợp hư giả. Thấy được như vậy thì khổ ách nào cũng qua hết.

Thân này được kết hợp từ năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn.

(1) Sắc uẩn là tứ đại đất nước gió lửa hợp lại.

(2) Thọ uẩn là những cảm giác của chúng ta như đang nóng có ngọn gió thổi qua nghe mát, cảm giác ấy gọi là thọ. Lưỡi chúng ta nếm một món ăn nghe ngọt, nghe đắng cảm giác ấy là thọ. Mắt chúng ta nhìn thấy người thấy vật, nhận ra đẹp xấu. Thân xúc chạm sanh thích hoặc chán. Tất cả đó là cảm giác của thọ. Có khi có cảm giác trung tính cũng là thọ.

(3) Tưởng uẩn là tâm mình tưởng tượng việc quá khứ và tương lai.

(4) Hành là suy tư, những ý niệm nhẹ nhàng tế nhị. Có chỗ nói hành cũng là ý chí. Ý chí vươn lên hay ý chí mạnh mẽ.

(5) Thức uẩn, phân biệt cái này tốt, cái kia xấu, cái này phải, cái kia quấy.

Như vậy, thân chúng ta có năm phần. Một phần thuộc về sắc chất, bốn phần kia thuộc về tinh thần. Có chỗ khác lại chia thân này do bốn thứ hợp lại là sắc. Sắc đó gồm bốn thứ đất nước gió lửa. Phần tinh thần bốn thứ: thọ, tưởng, hành, thức. Hai thứ cộng lại thành tám thứ đều nhau.

Tóm lại, thân này từ vật chất cho đến tinh thần đều do duyên hợp, không có gì cố định.


Tất cả sự vật đến với ta, ta không chấp. Mình có phải khổ sở để dẹp nóng giận, dẹp phiền não không? Sở dĩ chúng ta phiền não, chúng ta nóng giận là vì chúng ta chấp hay coi nó thật. Nếu biết rõ nó không thật, chỉ là tạm bợ do duyên hợp thì có gì mà chấp đến như vậy. Do không chấp, nên thảnh thơi tự tại đi giữa cuộc đời mà chúng ta không dính mắc gì cả.

Như vậy, chúng ta hết khổ, hay chúng ta dùng trí tuệ thấy muôn sự vật xảy đến với mình không thật, liền vượt qua các khổ. Nỗi khổ không ai cứu ta được, mà do ta nhận ra chân tướng của nó không thật, thì có gì làm ta phiền hà, khổ sở nữa. Thấy tường tận đạo lý thì không còn chấp đến nó nữa. Nên nhớ chấp là gốc từ si mê, là nhân của đau khổ. Nhờ trí tuệ sáng, không chấp nên đau khổ cũng không còn.

Nhưng sẽ có người nói thế này, nếu mọi thứ đều tạm bợ hết, thì không cần làm gì nữa. Cuộc đời cứ thả trôi thì xã hội sẽ ra sao? Đây là nghi vấn của nhiều người hiện nay. Thật ra người phải có đủ hai mặt: Một là trí tuệ, hai là từ bi.

Chúng ta quan sát thấy rõ vạn vật, do duyên hợp tạm có, thấy tường tận như vậy là chúng ta có trí tuệ. Nhưng giả sử cạnh ta có người đói khổ, chúng ta cũng bỏ mặc chỉ ngồi cười thôi, không làm gì hết, như vậy trở thành tiêu cực. Cho nên phải phát tâm từ bi. Nhà phật dạy có trí tuệ mà không có từ bi là càn tuệ tức trí tuệ khô. Vì vậy, trí tuệ phải có từ bi thì trí tuệ ấy mới tươi nhuần. Còn từ bi mà thiếu trí tuệ thì gọi là từ bi mù, nên chúng ta phải có đủ từ bi và trí tuệ. Khi bước vào Việt Nam Quốc Tự, trên đường 3/2, kế nhà hát Hòa Bình, chúng ta thấy 2 chữ trí tuệ và từ bi ngay trước cổng. Đó là thông điệp cơ bản của người tu hành.

Bởi vì có trí tuệ rồi chẳng lẽ ngồi không, ai khổ mặc họ không cần biết đến? Như vậy, là ích kỷ, không có lợi ích gì cả. Cho nên người phải phát tâm từ bi, chúng sinh tuy hư giả nhưng họ lại không biết hư giả. Vì vậy họ khổ, chúng ta phải thương, phải cứu họ, làm cho họ hết khổ. Như vậy, nhờ trí tuệ phá kiến chấp sai lầm, phá ngu muội tăm tối. Nhờ lòng từ bi thương người mê lầm, ta chỉ cho họ thấy được lẽ thật, không còn chấp, không còn đau khổ nữa. Đó mới gọi là làm tròn bổn phận người tu. Vì vậy, trí tuệ và từ bi phải nhịp nhàng theo nhau.

DakLak360

Related post