động đất tại tây nguyên

Tâm chấn động đất tại Tây Nguyên tối qua

Chỉ trong 1 tháng, diễn ra liên tiếp 11 trận động đất tại Tây Nguyên

Vào tối ngày 26/4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiếp tục xảy ra một trận động đất. Như vậy, kể từ ngày 4/4, đã ghi nhận tổng cộng 11 trận động đất tại Tây Nguyên , làm dấy lên lo ngại kịch bản động đất kích thích giống như Thủy điện sông Tranh 2 có thể tái diễn.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, thời điểm xảy ra trận động đất là vào lúc 20 giờ 50 phút 46 giây (giờ Hà Nội) tối qua (26/4). Với độ lớn 2.7, độ sâu chấn tiêu khoảng 3.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Như vậy, chỉ trong hơn 3 tuần lễ, toàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 11 trận động đất. Đồng thời, đây là trận động đất thứ 7 tại huyện Kon Plông.

Trước đó, trận động đất đầu tiên cũng được ghi nhận tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào tối ngày 4/4 với độ lớn 3,6. Ngay sau đó, liên tiếp các trận động đất nhỏ xảy ra tại tỉnh Kon Tum. Ngoài Kon Plông có số trận động đất nhiều nhất, các huyện khác của tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận động đất như Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy.

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, đây là các trận động đất nhỏ, ít khả năng gây thiệt hại về người và của nhưng xảy ra với tần suất cao. .

Theo các chuyên gia động đất, Tây Nguyên là nơi rất ít ghi nhận động đất, vì vậy việc động đất liên tiếp xảy ra thời gian gần đây là vấn đề đáng quan tâm, cần được xem xét, khảo sát.

PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhận định, các trận động đất tại Kon Tum xảy ra trong vùng ảnh hưởng của một đới đứt gãy đang hoạt động có tên là Rào Quán – A Lưới. Đây là đới đứt gãy hoạt động rất mạnh, xuất phát từ Lào, chạy qua Thừa Thiên Huế, kéo dài xuống Quy Nhơn (Bình Định).

Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra khi Thủy điện sông Tranh 2 tích nước vào năm 2011. Ban đầu là các trận động đất nhỏ xảy ra, sau đó liên tiếp động đất với kích động chính có độ lớn 4,7, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực. Các trận động đất kích thích vẫn ghi nhận tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đến bây giờ.

Cũng trên đới đứt gãy này, từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện Đăk Đrinh (Quảng Ngãi) cũng nằm trên đới đứt gãy này vào năm 2014, khi người dân sống gần khu vực hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Đắc Đrinh thường phát ra tiếng nổ vào ban đêm, gây rung chấn nhà dân ở khu vực quanh hồ.
Trong khi đó, địa bàn xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành và phát điện tổ máy số 1 vào 24/3/2021. Dự án tổng công suất 220MW, gồm 02 tổ máy (2x110MW), có tuyến năng lượng dài hơn 17km, chính thức được triển khai tích nước vào sáng ngày 26/2/2020.

PGS Cao Đình Triều cho biết, kịch bản động đất kích thích giống như từng xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 có thể lặp lại ở khu vực này. Vì vậy, thời gian tới, cần tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum để có những nhận định và khuyến cáo chính xác cho người dân và chính quyền địa phương.

Tổng hợp

Exit mobile version