Cây cổ thụ về xuôi – Thú chơi “tận diệt” núi rừng
Thú chơi cây cảnh cổ thụ, thoạt nhìn thì có vẻ rất tao nhã nhưng nó lại đang là một trong những tác nhân “tận diệt” núi rừng.
Quốc lộ 14 đoạn từ TP Pleiku lên Kon Tum, cứ cách một đoạn là lại có một khu vực bán cây cảnh. Tất cả đều là cây cổ thụ có tuổi đời từ vài chục cho đến hàng trăm năm. Tất nhiên giá mỗi cây cũng không hề rẻ.
Dù là cây cổ thụ nhưng các loại cây cảnh được trưng bày gần quốc lộ chỉ là cây bình thường. Muốn mua cây cổ thụ và là cây gỗ quý được đưa từ rừng sâu về thì phải đến được nơi tập kết bí mật. Tuy nhiên để tiếp cận thì không đơn giản.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, trước tình trạng “chảy máu” cổ thụ về xuôi, UBND tỉnh này đã từng có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý việc di thực trái phép cổ thụ. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn truy xuất nguồn gốc lâm sản đang khá thoáng nên rất khó kiểm soát.
Ông Trương Văn Nam – Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng – Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: “Thông tư số 27 về truy xuất nguồn gốc lâm sản, chúng ta để thoáng quá nên không có chỗ nào bám để kiểm tra kiểm soát cả. Hiện tại như bây giờ chỉ quy định người có cây đó, chứng minh được quyền sở hữu của người ta thì người ta tự định đoạt, tự khai thác, tự vận chuyển”.
Khi bứng một gốc cổ thụ về xuôi, chắc ít ai nghĩ đó là hành vi phá rừng. Nhưng từ 1 gốc tới hàng trăm, hàng ngàn gốc được đào lên từ trong rừng hoang vắng rõ ràng là hành vi phá rừng bởi khiến cho những cánh rừng vốn đã cạn kiệt nay càng cạn kiệt hơn.
Quốc Thái – Minh Quân (VTV)