Bộ vó của kẻ cắp
Gần đây, trong từ ngữ tiếng Việt có xuất hiện một từ ngữ “dáng hèn”. Bạn đừng vội tra cứu trong tự điển tiếng Việt, sẽ không có một lời giải thích thỏa đáng. Ngôn ngữ của thời đại sẽ đi trước một bước, rồi mới cập nhật vào trong tự điển.
Từ ngữ này dùng để mô tả một người giàu có về tài sản, nhưng nhân dáng, tính cách, nhân cách, nhân văn, văn hóa, tâm hồn, ngôn ngữ, dung nghi, cốt cách, thẩm mỹ, khí phách, khí sắc; tất cả đều không có tương xứng với của cải của người ấy. Như vậy, một người mà bị người ta phán cho một câu là “dáng hèn” thì đáng sợ thật.
Mình sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về “bộ vó của kẻ cắp”, cũng với hy vọng các bạn sẽ rõ hơn về cách dạy của cổ nhân, mà sau này, con người hiện đại không dạy. Không dạy điều đó, không có nghĩa là không phù hợp hay là nó quá lạc hậu, mà có thể không hiểu hết ẩn ý thâm thúy bên trong của người xưa.
————————
Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về. Khi về làng, gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.
Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh đánh đệ tử mười roi phạt. Ðương sự rất ngạc nhiên, nhưng không dám cải lời thầy, riu ríu leo lên bộ phản nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú thấy thế, ngạc nhiên thưa:
– Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Ông thầy từ tốn giải thích:
– Ðành rằng nó vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa.
Bình luận
Ðây là một trong những cách xử thế tuyệt diệu của người xưa. Cổ nhân đào luyện thế hệ đàn em phải sống sao cho “Cúi xuống không thẹn đất, ngẩng lên không thẹn trời”.
Ðành rằng chú bé trên đây không hề gian tham nhưng vị thầy không bằng lòng khi thấy học trò mình chưa đủ tư cách chính nhân quân tử, khiến người ta mất lòng tin nơi mình.
Nhà Phật đã từng dặn dò chúng ta rằng: “Không phải nhờ ở lời khen của thế nhân mà con được đạo giải thoát, cũng không phải vì lời chê của thế nhân mà con lại rơi vào địa ngục. Mà chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của con sẽ quyết định cảnh giới thiện ác tương xứng.”
Thông thường, chúng ta rất dễ nhẫn nhịn những lời khen (mà mình không hoàn toàn xứng đáng) và ngược lại, chúng ta không tài nào kham nhẫn nổi những lời vu oan trách mắng vô căn cứ. Ðã bao lần bạn đã tức tưởi thuật lại nỗi hàm oan của mình cùng bè bạn. Và có lẽ, chưa lần nào bạn bị đánh đòn như chú bé trong câu chuyện trên đây. Có lẽ vì thế mà chúng ta kém xa người xưa chăng?
Có hôm nào, lỡ bị một nỗi hàm oan, bạn hãy thử một lần tự tìm xem mình đã có những tác phong, cử chỉ cung cách như thế nào mà để cho người ta phải nghĩ về mình xấu tệ như thế. Nếu tìm thấy nguyên do nằm nơi mình, thì bạn đã bắt đầu nắm được chìa khóa giải thoát. Giải thoát cái gì bạn biết không? Giải thoát bạn khỏi những nổi khổ, những tư tưởng bi quan hắc ám và càng hiểu hơn bản thân mình thêm một chút.