Khi hay tin mình đi cùng chuyến xe bus với ca COVID-19, một bạn trẻ đã tự giác khai báo y tế thế nhưng khi về nhà, bạn trẻ này bị người nhà trách là ngu xuẩn.
Mới đây, nhà văn Hoàng Anh Tú vừa chia sẻ lên Facebook cá nhân câu chuyện một bạn trẻ khi biết mình có đi cùng chuyến xe bus với một ca dương tính COVID-19, dù không biết có đi cùng đúng thời điểm có bệnh nhân đó không nhưng bạn trẻ này đã tự giác khai báo y tế. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi đi khai báo về bạn trẻ này đã bị người nhà trách là ngu xuẩn, khai báo như vậy thì ai còn về quê được, ngụ ý có khả năng bị cách ly và mất Tết.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, không chỉ sợ bị mất Tết, chính tâm lý sợ bị kỳ thị của người dân khi là F1, F2, F3 cũng ngăn cản việc tự giác khai báo y tế.
“Tôi đã trả lời cô bạn ý, rằng em là một người ngu tử tế. Bởi vì quá nhiều những người khôn làm cho rất rất nhiều người phải khổ vì những người khôn như thế. Ngày 28/1, khi mà Quảng Ninh công bố dịch thì chúng ta nhìn trên đường quốc lộ, nhiều những người khăn gói rời Quảng Ninh đi sang các tỉnh khác. Họ là những người rất là khôn, cái sự khôn của họ khiến cho chúng ta nhìn thấy sau 5 đến 6 ngày chúng ta có gần 300 ca nhiễm” – nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Bộ Y tế cho biết, có tới 21% số F0 không hợp tác với cơ quan chức năng. Thậm chí, có tới hơn 99% số F1 không tự giác khai báo. Điều này vô cùng nguy hiểm trong cuộc chạy đua khống chế dịch COVID-19.
“Virus lây càng nhanh thì chúng ta càng phải xử lý thông tin nhanh để đưa ra ứng phó nhanh. Chúng tôi rất sốt ruột khi những thông tin ấy không được cung cấp một cách đầy đủ” – ông Nguyễn Thế Trung, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết.
Không chỉ thiếu ý thức trong khai báo y tế, hiện vẫn còn nhiều người lơ là, chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Mặc dù các tấm biển khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVI-19 vẫn được đặt tại nhiều khu vực chợ dân sinh, dễ quan sát, nhân viên ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở đeo khẩu trang, thế nhưng, ngay cả ở trong chợ, đến cả nhiều tiểu thương cũng không đeo khẩu trang. Có lẽ với những người này, COVID-19 dường như còn đang ở xa lắm.
Còn tại hồ Gươm, khẩu trang lại là… vạt áo khoác. Thấy ống kính máy quay, nhiều người mới vội đeo khẩu trang vào. Tất nhiên, những trường hợp không đeo khẩu trang như thế này chỉ là thiểu số nhưng dù chỉ là thiểu số, nó vẫn có thể gây ra nguy cơ rất lớn cho cộng đồng.
Theo: VTV