Bạn ít có thời gian nhìn lại chính mình.
Chúng ta có thói quen ngắm nhìn cái dung nhan bên ngoài, bằng cách soi gương. Hay thói quen dùng dầu thơm. Dùng thời gian đi sửa sắc đẹp, từ trùng tu hay xây mới. Hay nói theo cách nói: níu kéo thanh xuân, đi tìm cái đẹp mà đấng sinh thành không cho hay không có mà cho. Càng tốn nhiều tiền thì càng trách nhà sản xuất. Nhưng chúng ta không hề chú ý nghe lại, hay chiêm nghiệm lời chúng ta nói, nâng cấp nó lên cho đúng mức, đúng tầm, sang trọng, quý phái, lịch lãm và tao nhã, đi cùng với kinh tế, mối quan hệ xã hội và văn hóa. Tôi cứ luôn tự hỏi: “tại sao người Việt không sang? “. Rồi đi truy tầm chân lý, căn nguyên cội nguồn của vấn đề. Chúng ta không sang phần là do:
(1) Chính chúng ta đã phế truất chế độ quân chủ, vua chúa. Mà mọi sự sang trọng tập trung ở cung đình và hoàng tộc. Cung nữ muốn tiến cung thì phải học hàng năm, học ăn, học nói, học gói và học mở. Học đi lại. Tập đi thẳng, bằng cách kẻ đường thẳng để đi trên đó (đi catwalk) hay đứng hàng giờ dựa vào tường sao cho đầu, vai, lưng và mông thành 1 đường thẳng. Đội trên đầu cái thúng mà không được đổ hay kẹp cái nia vào đùi để đi. Để khi ta bỏ thúng và bỏ nia ra, dáng đi chuẩn mực như người mẫu. Ta thì không có thời gian để làm chuyện này, cho nên chỉ đủ thời gian đi sửa sắc đẹp, gym, mua sắm quần áo và dầu thơm. Hàn dân lê thứ sao có cốt cách phi phàm bằng các cung tần mỹ nữ. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ (monkey cannot escape from its own origin). Bây giờ, thì có một số người có tiền, đi đây đi đó cũng học hỏi, nhưng vẫn không thể bằng. Hãy phỏng vấn nghệ sĩ gạo cội Hồng Đào, thủ vai hoàng hậu Từ Dũ trong phim Phượng Khấu, phải khổ luyện như thế nào, thì phần nào bạn sẽ rõ hơn. Ngày trước, khi còn đi làm việc ở Huế, tôi có dịp gặp một số người là con cháu của hoàng tộc. Họ nói chuyện to, rõ, khỏe, sang sảng, ngồi thẳng người, chứ không ngồi thụn xuống, từ ánh nhìn, cái xoay người, cách nói chuyện cũng đủ toát lên sự thanh cao quý phái, mặc dù, do thời thế, mà họ nghèo thôi.
(2) Giàu mà không sang. Trong nền kinh tế mới nổi, xuất hiện tầng lớp giàu có nhanh chóng, nhưng chỉ là tiền bạc, chứ không có chiều cao tâm hồn, chiều sâu nhân văn, chiều rộng tri thức và những cái tinh hoa khác nữa. Thời gian họ đã dành hết cho kiếm tiền. Chúng tôi cứ nói với nhau là giàu không đồng bộ, kiểu trọc phú. Họ tự cho rằng sự sang trọng nằm ở nhà cao, cửa rộng và xe hơi đời mới. Tôi chỉ thích một cô gái chân quê bước vào thang máy, tôi lên tầng 10, cô ấy lên tầng 8. Khi bước ra thang máy ở tầng 8, xoay người một cách điệu nghệ, nở nụ cười duyên dáng và nói: “cho em xin lỗi nghen, em không muốn như vậy đâu”. Mặc dù mất thời gian chờ đợi ở tầng 8, nhưng tôi vẫn thấy đẹp. Ngày hôm sau, đi làm cũng gặp lại tình huống tương tự. Tôi nói và đưa cô bé cuốn sách: “đây là cuốn sách Mỹ Học của Hoàng Thiệu Khang. Em lỡ đẹp rồi cho đẹp luôn”.
Ngay cả nói to và nói nhỏ cũng vậy. Nói to, chưa biết nội dung như thế nào, cũng cho thấy khoảng cách với người đối diện. Họ chửi nhau nói to lắm. Nói nhỏ, buộc người đối diện phải lại gần mới có thể nghe được, thường là lời yêu thương, thổn thức con tim hay lời khuyên bảo.
Ngay cả nói nhanh và nói chậm cũng toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái, cốt cách đài các, trâm anh. Nói nhanh thì làm sao sang nổi. Nói nhanh được cấu thành do thói quen bận rộn. Một nhịp sống công nghiệp hiện đại đã thấm sâu vào trong bạn. Nói chậm hay cử chỉ chậm rãi, dáng đi khoan thai, ung dung, tự tại, thì cũng làm cho bạn đẹp lắm rồi.
(3) Bắt chướt. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Lỗi này thực sự không phải do bạn, cũng chẳng phải gia đình hay bất cứ người nào xung quanh. Lỗi này là do quán tính của lịch sử. Giai đoạn 1407-1427, là giai đoạn 20 năm Việt Nam dưới ách đô hộ của nhà Minh. Nhà Minh đã đốt hết tàng kinh các và sử thi của Việt Nam. Bắt hết nho sĩ, cung tần mỹ nữ về phương Bắc, hủy hoại phật giáo ngàn năm của đất Việt. Đến đây thì bạn sẽ nghi ngờ rằng phát biểu của tôi có đúng không? Bạn có thể kiểm chứng. Bạn coi lại sử thi Việt Nam trước thế kỷ 14, thì ghi lại không đầy đủ, không rõ ràng, rất ngắn gọn. Nhưng đến đời nhà Lê trở về sau thì rất rõ ràng. Có gì đó khuất tất ở đây. Để kiểm chứng hơn nữa thì đi quá xa so với chuyên môn của tôi. Chúng ta đã đoạn tuyệt với gia tài văn hóa và phật giáo mà cha ông để lại. Hay nói cách khác chúng ta đã từng có văn hóa và từng bị hủy diệt văn hóa. Chúng ta so sánh 2 tác hại tội diệt chủng và hủy diệt văn hóa. Diệt chủng, như Pôn Pốt ở Cambodia, có 3 triệu người chết, còn diệt chủng văn hóa thì chúng ta cũng biết, di sản tổ tiên để lại 10 phần nay còn 3 phần, chúng ta hiểu ít hơn về chúng ta. Thêm vào đó thì đạo Khổng du nhập vào Việt Nam, Bắc thuộc, Pháp thuộc, Phương Tây và những cái ngoại lai khác nữa. Làm cho cái Việt Nam thuần khiết càng ít ỏi, mong manh và dễ vỡ. Có những thứ khác nữa, vì nhiều thứ tôi không nói ra đây, chưa đúng lúc. Chúng ta dễ dàng bắt chướt khi chưa có hình mẫu. Mà phàm thì bắt chướt thì làm sao so sánh được với bản gốc. Kỷ niệm 1000 Thăng Long Hà Nội, dựng lại mấy chục bộ phim, sau đó hủy hết vì không có gì thuần Việt, từ cảnh trí, kiến trúc và trang phục, thậm chí cả lời thoại. Bây giờ, thì tôi cũng thấy kiến tạo dần lại các giá trị Việt Nam thuần khiết. Tuy vẫn còn nhỏ bé, mong manh, nhưng rất Việt Nam.
Thay lời kết, tôi thấy rằng vẻ đẹp bên ngoài có sức hút lôi kéo người ta đến, chỉ có tính cách bên trong mới đủ sức mạnh để giữ người ta lại. Tôi nói ở đây là giữ lại trong tâm trong trí.