Bạn có nghĩ mọi thứ thuộc về mình đều do bản thân kiểm soát – từ hành vi, suy nghĩ, đến quyết định? Ồ không, thực ra não bộ dễ bị ảnh hưởng hơn bạn tưởng nhiều đấy.
Có bao giờ bạn tin rằng mình có thể làm chủ được cơ thể, hành vi, suy nghĩ và quyết định của mình?
Ồ không đâu! Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến quyết định của bạn, mà thậm chí bạn chẳng hề nhận ra điều đó. Nguyên nhân là vì bộ não – thứ con người vẫn tự hào là công cụ đưa cả nòi giống lên đỉnh cao của chuỗi sinh tồn. Hóa ra, nó cũng chẳng tuyệt vời đến vậy.
1. Hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect)
Về cơ bản, hiệu ứng lan tỏa nhằm ám chỉ việc bạn đưa ra quyết định về sản phẩm dựa trên người đại diện cho sản phẩm đó. Nếu bạn thích một người, bạn sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào điểm tốt. Còn nếu đã không thích thì “mặc kệ ông có tốt đến mấy, tôi chẳng quan tâm.”
Đây là một hiệu ứng tâm lý được dân marketing áp dụng cực kỳ nhiều, thông qua việc quảng cáo sử dụng hình ảnh của sao hoặc các KOL (Key Opinion Leader – người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng). Bạn thích ngôi sao đại diện cho nhãn hàng, nghiễm nhiên bạn có xu hướng sử dụng hàng hóa từ thương hiệu đó nhiều hơn.
2. Hiệu ứng người qua đường (Bystander Effect)
Có một nghịch lý như sau: Khi bạn gặp tai nạn hay rắc rối gì đó giữa đám đông, gần như sẽ chẳng có ai đứng ra giúp đỡ bạn cả. Không phải vì họ vô tình, mà do một hiệu ứng tâm lý khiến ai cũng nghĩ rằng sẽ có người đứng ra làm việc đó.
Thế nên kinh nghiệm là nếu chẳng may rơi vào tình huống ấy, hãy tiến thẳng đến một người và trực tiếp đề nghị họ giúp đỡ. Khi đó, nhiều người khác sẽ làm theo.
3. Hiệu ứng “ánh đèn sân khấu” (Spotlight effect)
Đây cũng là một hiệu ứng tâm lý cực kỳ khó chịu, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của chúng ta.
Lấy ví dụ nhé, đã bao giờ bạn cứ lấn cấn về việc mình sẽ gây ấn tượng xấu cho tất cả mọi người? Rằng trông bản thân quá vụng về, hay bộ quần áo đang mặc trông chẳng liên quan đến bữa tiệc?
Đó là ý chính của hiệu ứng “ánh đèn sân khấu” – Spotlight effect.
Dành cho những ai chưa biết, cụm từ Spotlight là để chỉ đèn rọi sân khấu vào một điểm, khiến điểm đó nổi bật hẳn lên. Trong trường hợp này, chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng bản thân là tâm điểm của sự chú ý (theo hướng tiêu cực), rằng mọi sai sót gặp phải sẽ ngay lập tức bị mọi người nhận ra và đánh giá.
Nhưng đó chỉ là những gì não bộ làm quá lên mà thôi. Thực tế khác xa hoàn toàn, vì chẳng ai quá để ý như vậy đâu.
4. Hiệu ứng… anh hùng bàn phím (Online Disinhibition Effect)
Sự phát triển của internet đã vô tình cho ra đời những kiểu người dành riêng cho thế giới ảo: troller (nhóm chọc ngoáy phá rối), và cyberbully (nhóm bắt nạt ảo).
Về cơ bản, chúng ta có thể ẩn danh qua thế giới ảo. Và khi không ai rõ danh tính, con người có xu hướng trở nên tàn nhẫn hơn, thích phán xét, từ ngữ cay nghiệt. Nói cách khác, họ trở thành những “anh hùng bàn phím” thực sự.
Những hành động tương tự sẽ rất khó lòng thực hiện được ở ngoài đời, đó là lý do mà không nhiều người chống lại được sự cám dỗ của việc trở thành anh hùng bàn phím.
5. Hiệu ứng “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” (Dunning-Kruger Effect)
Đây lại là một hiệu ứng khá đặc biệt. Bạn đã nghe câu “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ chưa”? Câu này nhằm ám chỉ những người mới hoạt động trong một lĩnh vực, chưa có nhiều kiến thức, nhưng bất ngờ lại gặt hái nhiều thành công hơn các “bô lão” đi trước.
Thực ra, “thánh nhân” ở đây một phần là may mắn, phần khác lại là hiệu ứng tâm lý. Với những người mới, họ chưa hiểu hết rào cản và rủi ro. Đó là lý do họ có thể đạt được thành tựu rất nhanh vì các quyết định có phần liều lĩnh, thay vì quá cầu toàn như những người đã am hiểu về lĩnh vực đó.
6. Déjà Vu
Có lẽ nhiều người đã nghe đến thuật ngữ này. Đây là một cụm từ bắt nguồn từ tiếng Pháp, có nghĩa là “đã từng nhìn thấy”.
Hiệu ứng này ám chỉ việc bạn cảm thấy tình huống mình đang gặp phải đã từng được “nhìn thấy” trong quá khứ, giống như việc biết trước được tương lai vậy.
Trên thực tế thì nếu đó là nhìn được tương lai thì nhiều người có khả năng như vậy lắm, vì hầu như ai cũng từng gặp phải hiện tượng này rồi. Có điều biết là vậy, các nhà tâm lý học hiện vẫn chưa thể lý giải được cảm giác này.
7. Hiệu ứng Google (Google Effect)
Một hiệu ứng tâm lý là hệ quả của quá trình phát triển công nghệ. Khi Google trở nên quá phổ biến, nó khiến con người ngày nay có thể quên đi một kiến thức, một thông tin với tốc độ cực nhanh.
Đơn giản là vì khi cần, chúng ta lại có thể tiếp tục tra cứu nó ngay lập tức. Và rồi sau khi tra, dù rất muốn nhớ nhưng khi gặp lại, bạn vẫn phải tiếp tục rút điện thoại ra Google tiếp.
8. Ảo giác khuôn mặt (Pareidolia)
Pareidolia là hiệu ứng khiến chúng ta nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc từ những sự vật, sự việc… chẳng liên quan. Chẳng hạn như hình khuôn mặt người trong những đám mây, hoặc chiếc ghế trong ảnh trên khiến ai cũng nghĩ đến ninja rùa.
Theo: Helino
Nguồn: Brightside