Hôm trước, có một người chị đáng kính của mình đề nghị mình viết một chút về vô minh. Nhưng để có thể đi qua vô minh để có thể “giải thoát”, thì phải qua nhiều cửa ải, vô ngã, khổ, vô thường và không. Hôm nay, mình xin phép mọi người để bàn về vô thường.
Hình ảnh ánh chớp, sương mai hay bọt nước nói lên đặc tính vô thường. Sự thật là vậy, nhưng không phải ai cũng thấy và chấp nhận, đó là nguyên nhân của khổ đau và các hệ lụy.
Trước hết, thân thể của con người là vô thường. Ta từ khi cha mẹ sinh ra (sinh), rồi lớn lên, trưởng thành (trụ), thời gian sau bắt đầu già nua, bệnh tật (dị) và cuối cùng phải chết (diệt). Quá trình sinh, trụ, dị, diệt ấy là vô thường, diễn ra trong từng giây phút. Chúng ta lớn lên từng ngày cũng có nghĩa là chúng ta đã chết đi từng ngày, tức là chúng ta đang vô thường, thay đổi. Ta hôm nay đã không phải là ta hôm qua. Nhà phật gọi sự thay đổi này là không phải một, không phải khác (phi nhất phi dị). Cũng như khi nhìn xuống dòng sông, ta thấy dòng sông không có gì thay đổi, vẫn là dòng sông ấy, đó là không phải khác (phi dị). Nhưng tất cả lượng nước trong dòng sông giây phút trước đã không còn nữa, mà đã thay vào đó, lượng nước khác rồi, dòng sông khác rồi, đó là không phải một (phi nhất).
Thân thể con người cũng vậy. Chúng ta thấy cái thân thể này vô thường, không bền chắc rồi mình bỏ bê hay hủy hoại nó. Hiểu như vậy là hiểu sai về vô thường. Nhà phật dạy thân thể là vô thường, nó rất dễ mất, để chúng ta đừng chấp thủ, đừng luyến ái mà khổ đau. Ngược lại, chúng ta phải sử dụng tấm thân mong manh này vào mục đích giải thoát, cũng đừng vì tấm thân tạm bợ này mà tạo nghiệp bất thiện, gây khổ đau lâu dài về sau. Chúng ta phải sử dụng cái thân này như sử dụng một chiếc thuyền, để bơi qua dòng sông sinh tử, bằng những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, đưa đến an lạc, hạnh phúc.
Tâm cũng vô thường như vậy. Tâm chúng ta luôn luôn thay đổi, trong từng sát na sinh diệt. Sự vật luôn thay đổi mà chúng ta tưởng là không thay đổi, chúng ta muốn chúng không thay đổi, như muốn trẻ mãi không già. Chính nhận thức và ước muốn sai lạc này làm phát sinh đau khổ. Ta đau khổ không phải vì mọi chỗ mọi vật vô thường biến đổi, băng hoại mà ta khổ não chính vì chủ quan tham đắm những thứ mình ham thích không ở với mình.
Hoàn cảnh chúng ta sống cũng vô thường. Hoàn cảnh ở đây là chỉ cho tất cả mọi sự vật hiện tượng biến đổi. Có người nhìn thấy ngọn núi nơi quê mình sinh ra, trải qua mấy mươi năm, vẫn luôn sừng sững nên không tin rằng ngọn núi vô thường. Thực ra tất cả đang thay đổi, có điều quá trình thành, trụ, hoại, diệt của mỗi sự vật hiện tượng xảy ra trong khoảng thời gian dài hay ngắn mà thôi. Dù dài hay ngắn, tất cả đều biến đổi trong từng sát na. Tiền, vàng, nhà, địa vị và danh vọng, tất cả cũng vậy, đều vô thường.
Vì sự vật biến chuyển không ngừng cho nên sự vật không duy trì được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó. Vô thường vì vậy là một tên khác của vô ngã. Đứng về mặt thời gian, sự vật là vô thường, đứng về mặt không gian, sự vật là vô ngã.
Vô thường cũng là duyên khởi, vạn vật do nhân duyên nương vào nhau mà sinh khởi và tồn tại. Nhà phật nói: “sắc là vô thường. Nhân và duyên sinh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sinh từ nhân và duyên vô thường”. Trong bài “khổ” mình cũng nhắc đến “sắc” do sự nhận biết của lục căn (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý) do tứ đại chủng tạo thành (thổ, thủy, hỏa và khí).
Hiểu thấu vô thường là có trí tuệ biết tới chỗ cốt lõi bên trong của vạn vật, gọi là vô ngã trí. Nói vô ngã là nói về không gian của một hiện tượng, nói vô thường là nói về thời gian của một hiện tượng. Hiểu thấu tính vô thường biến động trong vạn vật thì ta hết u mê bám víu. Ta có phân biệt tốt xấu ngon dở, nhưng không bị dính mắc vào cảm giác, vì ta có trí tuệ biết rằng nó là vô thường biến đổi, không nắm giữ bởi thói quen một chiều tham đắm, đòi hỏi.
Biết vô thường của cuộc đời để nhận thức được rằng tất cả mọi sự vật đều có ngày phải tàn hoại, tan rã. Do đó giúp cho ta biết quý trọng từng giờ phút của sự sống.
Thực tập hiểu biết vô thường, có thể giúp ta vài điểm như sau:
(1) Thấy rõ vô thường, chúng ta ý thức được cái gì đang có trong giây phút hiện tại là quý giá, nên trân trọng chăm sóc, vun tưới, nuôi dưỡng;
(2) Khi thấy tình trạng hiện tại không được như ý thì ta cũng không chán nản. Tất cả đều vô thường, nếu ta biết cách chuyển hóa thì ngày mai tình trạng sẽ thay đổi;
(3) Thấy vô thường của vạn vật, chúng ta có thể dứt trừ tham ái, giữ tâm bình thản trước hoàn cảnh đổi thay bất ngờ. Có được sự an tịnh trong tâm, an nhiên trong từng hoạt động, không đi tìm những dục lạc tạm bợ mà đi tìm hạnh phúc chân thật;
(4) Nhìn nhận về tính vô thường của vạn vật có công năng trừ diệt si mê. Ta không chán ghét mọi vật, mà tiếp xử với vạn vật bằng tuệ giác, nghĩa là không tham đắm và vướng mắc.
Hiểu vô thường thì con người mới nhận thức được sự vô bổ của những thú vui tạm bợ, giả dối, và sáng suốt đi tìm những niềm vui chân thật. Khi chúng ta có trí tuệ cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối, tìm giá trị chân thật, hạnh phúc chân thật. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn thuở, và không một ai có thể chống lại được. Đến khi ra đi, thì thanh thản ra đi. Miễn sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, để lại cho đời ý nghĩa, dấu mốc tuyệt diệu và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn, một sự an lạc viên mãn.