Lễ hội bắt chồng ở Tây Nguyên, tục vỗ mông kén vợ, tục ở rể 3 năm của người Thái,… là những phong tục cầu hôn kỳ lạ của các dân tộc ở Việt Nam. Những phong tục này đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa của các dân tộc.
1. Tục lệ “ngủ thử” của trai Mường
Đây là phong tục lâu đời của người Mường. Theo đó, những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà cô gái mà họ ưng. Các cô gái tối đến thường đốt một ngọn đèn, coi như “tín hiệu” để các chàng trai tìm đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến “ngủ thăm”, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.
Sau 5 lần tới “ngủ thăm”, nếu cả 2 đều ưng nhau thì chàng trai sẽ cùng gia đình tới nhà gái để xin đám cưới. Trong những lần “ngủ thăm” này, hai người chỉ được phép trò chuyện, tâm sự mà không được động chạm vào người nhau. Phong tục này cho đến nay vẫn được duy trì ở một số nơi.
2. Lễ hội bắt chồng ở Tây Nguyên
Bắt chồng không còn là một tục lạ quá xa lạ với nhiều người, bởi tục lệ này khá nổi tiếng với các đồng bào Chu ru, Cil, Cơ ho.. ở Tây Nguyên. Mỗi năm, bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba, lễ hội bắt chồng lại được tổ chức ở các vùng dân tộc này.
Theo quy định, lễ hội bắt chồng được diễn ra vào ban đêm và các cô gái sẽ là người chủ động trong việc tìm chồng. Khi tìm được một chàng trai ưng ý, các cô gái này sẽ thông báo với gia đình. Nếu nhận được sự đồng ý của 2 họ, cô gái sẽ mang nhẫn tới đeo cho chàng trai theo 1 ngày đã định. Nếu không đồng ý, người con trai này có thể trả lại nhẫn.
Tuy nhiên, sau 7 ngày tiếp theo cô gái này lại tiếp tục đến và đeo nhẫn cho chàng trai. Sự việc cứ thế tiếp diễn đến khi nào chàng trai đồng ý.
Sau khi người con trai đồng ý thì đám cưới sẽ được tổ chức. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình. Đến ngày cưới cả 2 đều đeo lại nhẫn và sau 7 ngày cô gái tháo nhẫn để gửi mẹ chồng còn chàng trai tháo nhẫn gửi lại mẹ vợ.
3. Tục cưới 2 lần của người Paco
Người Paco trú tại miền núi tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên xưa kia có tục cưới hai lần. Lần thứ nhất, nhà trai đi các lễ vật quý như trâu, bò, nồi đồng, nếp rượu,… Khi về nhà chồng, đôi vợ chồng trẻ phải tổ chức lễ “đạp bếp”, đưa nhau về nhà gái trình diện gia đình. Cũng từ đó, cô gái chính thức gia nhập họ nhà trai.
Thời gian sau ngày cưới, cả 2 phải lao động để trả nợ thách cưới và làm lễ Pầy Ploh, nghĩa là kết thúc trọn vẹn, hay còn gọi là lễ “mua cái đầu”.
4. Vỗ mông chọn vợ của người Hà Giang
Theo phong tục của người Mông, Hà Giang, giai đoạn phiên chợ cuối năm là dịp tốt nhất để trai gái tìm thấy nhau. Ngoài tập tục chặn đường cướp cô dâu nổi tiếng, ở đây còn có tập tục “vỗ mông” để chọn bạn đời.
Sáng đầu năm, nam thanh nữ tú nhất loại về tụ tập ở khoảng sân diễn tục chơi “ú tim”. Sau những chén rượu chúc tụng cho một nǎm mới tốt lành, họ đưa mắt tìm bạn đời. Nếu ưng thuận nhau cô gái sẽ bỏ chạy và nhiệm vụ của chàng trai là đuổi theo. Điều kiện là cả 2 người đều phải chạy hết sức mình. Nếu chàng trai đuổi kịp cô gái và đưa bàn tay vỗ vào mông cô thì đồng nghĩa với việc cô gái này sắp trở thành vợ.
Thực ra, không phải vô tình mà trai gái Mông tìm được nhau và thực hiện tục lệ trên. Những người tham gia tục lệ này thường có sự tìm hiểu từ trước và ưng thuận nhau. Vỗ mông chỉ là cái cớ để hai người gặp lại, chàng trai có dịp thể hiện tình cảm lẫn bản lĩnh của mình trước mặt cô gái và những người xung quanh.
5. Người Thái ở rể 3 năm mới được cưới
Với những chàng trai dân tộc Thái, để cưới được vợ, họ phải trải qua một quá trình thử thách rất dài. Khi ưng cô gái nào, chàng trai sẽ thưa với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Sau đó, chàng trai ấy phải đến ở nhà gái trong 3 tháng, sống trong gian dành cho khách và chỉ được phép mang một con dao để làm việc.
Hết thời gian đó, nếu được bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ mình biết. Lúc này, chàng trai mới được mang hành lý tư trang đến nhà gái và ở đó suốt 3 năm. Sau 3 năm ở rể, lễ thành hôn mới chính thức được tiến hành.
Trường hợp cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân sẽ tự cắt tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể tiếp tục ở nhà gái từ 1 đến 10 năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng.
Hoàng Ngọc (Tổng hợp)