Đó là những lễ hội đậm nét truyền thống, đem đến cảm giác cực mạnh cho người xem hiện vẫn được lưu giữ tại Việt Nam.
Không ít người “rùng mình” khi chứng kiến cảnh chém lợn bằng lưỡi đao bén ngọt ở Ném Thượng, Bắc Ninh hay lễ đâm trâu đậm nét truyền thống nơi Tây Nguyên thượng ngàn… Đó là những lễ hội có từ lâu đời và chứa đựng nhiều ý nghĩa tại một số vùng miền của người Việt.
Lễ hội chém lợn Bắc Ninh
Vào mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm, người dân thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) lại tổ chức lễ hội chém lợn tế Thánh.
Lễ hội này bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa, theo đó có một vị tướng cuối đời Lý, khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân đã mở hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.
Trước khi làm lễ tế Thánh, hai chú lợn được rước đi quanh làng từ 9h sáng đến 11h trưa thì quay lại sân đình. Khi đó, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi sẽ ra tay chém hai chú lợn để tế Thánh.
Bằng lưỡi đao bén ngọt, hai chú lợn thờ nhanh chóng bị chém đứt đôi, máu văng đầy ra sân trong sự hò reo phấn khích của đám đông chứng kiến.
Theo phong tục cổ xưa, ý nghĩa sâu kín của lễ chém lợn tế Thánh liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng… có khả năng làm thụ thai, làm cho sự sống sinh sôi. Tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề cho tất cả mọi người trong làng.
Chính vì thế, kết thúc lễ chém lợn, dân làng và du khách thập phương thường cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu lợn rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc.
Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên
Lễ hội đâm trâu là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam, được tiến hành nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác.
Tùy theo mục đích, hoàn cảnh cụ thể và tùy theo từng sắc tộc mà lễ hội này được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau song thường là bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông …
Người chủ trì lễ hội là một già làng. Để chuẩn bị cho lễ hội, dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào một cây cột cao trên 5 m. Đây là một cây cột gỗ hoặc tre đặc biệt được trang trí bằng các hoa văn, hoa rừng, cờ thật đẹp. Trên đỉnh cột thường đặt một biểu trưng chẳng hạn như chim phượng hoàng tạc bằng gỗ.
Mở đầu nghi lễ, người chủ trì sẽ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Cả làng nhảy múa, ca hát, uống rượu, biểu diễn võ thuật.
Sau các màn múa hát là nghi lễ đâm trâu – phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Các tráng sĩ được trang bị lao dài sẽ phóng lao giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Chàng nào chỉ đâm một nhát mà trâu chết ngay thì được khen ngợi.
Con trâu bị giết được đem xẻ thịt nhỏ chia cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan. Một phần thịt trâu được dành lại ăn uống chung tại nhà Rông. Đầu trâu được gác lên cột lề. Sáng ngày sau còn có lễ rước đầu trâu lên nhà Rông. Đầu trâu được chẻ ra làm món ăn. Riêng cặp sừng được giữ lại và treo lên vách nhà Rông. Người làng còn lấy máu trâu hòa với rượu để rửa những bảo vật truyền kiếp nhà Rông
Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên thường được so sánh với lễ hội đấu bò tót của người Tây Ban Nha. Trong cả hai lễ hội, con vật đều bị giết chết bằng những cú đâm chí tử. Ngày nay, hoạt động đấu bò tót đã bị đình chỉ do tính dã man của nó.
Lễ hội chọi trâu Hải Phòng
Chọi trâu là một loại hình lễ hội được tổ chức tại một số nơi ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm.
Để chuẩn bị cho lễ hội này, người nuôi trâu phải lựa chọn rất công phu trong việc tìm và nuôi dưỡng trâu, chăm sóc kỹ lưỡng trong khoảng một năm.
Trường đấu của lễ hội là một bãi đất rộng, ngày nay thường là sân vận động, nơi có thể chứa hàng nghìn người đến cổ vũ. Trước giờ khai cuộc, người huấn luyện sẽ dẫn trâu ra sới cho quen dần với không khí.
Khi cuộc đấu bắt đầu, từ hai phía của sới chọi, hai “ông trâu” được dẫn ra với người che lọng và múa cờ hai bên. Khi cặp trâu cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài. Hai đấu sĩ trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát… Cứ thế, hai trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của khán giả.
Các ông trâu sẽ sử dụng nhiều miếng “võ” hiểm đã được luyện thuần thục để tấn công đối phương như hổ lao, ghì ngà, móc mắt, cáng hầu, móc chân… Có những trận kết thúc chóng vánh, nhưng cũng có trận kéo dài hàng chục phút bất phân thắng bại, cả hai chú trâu đều đẫm máu vì những vết thương cơ thể. Không ít cuộc đấu kết thúc với cái chết của một trong hai đấu sĩ.
Kết thúc lễ hội, con trâu vô địch sẽ làm một cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Theo tập tục của địa phương, tất cả các “ông trâu” tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt. Sau khi giết trâu, người làng sẽ lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. Mọi người cùng ăn chúc phúc.
Theo quan niệm của người dân, sau khi ăn thịt con trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp được may mắn, đặc biệt là những người dân đi biển.
Theo Thanh Bình (Kiến Thức)