Ngôn từ là văn hóa, là tấm gương của tâm hồn
Ngôn từ là văn hóa, là tấm gương của tâm hồn
Có khi nào bạn nghe xong một lời nói bạn vui hay xúc động cả ngày? Có khi nào bạn nghe xong một lời nói bạn buồn hay giận cả ngày? Thì mình cũng chang như bạn vậy, cũng là một kiếp nhân sinh. Sau đây, là một bài về bản chất của lời nói và ngôn từ và tác động của nó.
Ngôn từ trong phạm trù truyền đạt, có âm thanh thì đó là lời nói, ngôn ngữ diễn đạt của một người. Lời nói đó được sử dụng với tất cả khả năng, phẩm chất, thẩm mỹ của người thể hiện.
Lời nói và ngôn từ là tấm gương của tâm hồn, là trình độ văn hóa.
Ngôn từ phát biểu của một người định hình tính cách của người đó. Người đó nói như thế nào, thì người đó là như vậy. Người thô tục, thường hay nói lời thô tục. Người phù phiếm, thường hay nói lời phù phiếm. Người thô bạo, nói lời thô bạo. Có những ngôn từ tệ hơn chửi rủa. Có những ngôn từ mang lại sự tổn thương cho người nghe.
Ngôn từ là văn hóa của một người, vì nó cho thấy sự sắc xảo, sâu lắng, nông cạn, hời hợt của tâm hồn người đó, bởi vì nó phản ánh tư duy.
Ngôn từ là thành phần trung gian giữa tâm thức và thân xác, đó là một cửa ngõ quan trọng đời sống của một người. Theo triết lý nhà Phật thì “thân, khẩu, ý” tạo ra nghiệp hay karma vì tương lai được vay mượn từ hiện tại.
Chánh ngữ là một điều bắt buộc phải có của các bậc thiện tri thức. Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột. Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời. Một lời đúng lúc có thể xua đi phiền não. Một lời yêu thương có thể chữa lành và mang lại hạnh phúc. Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời thì con người chỉ cần hai năm để học nói, nhưng phải mất sáu mươi năm mới hy vọng hoàn tất xong học trình, để biết cách giữ gìn lời ăn, tiếng nói.
Ngọc có tỳ vết, còn có thể sửa chữa lại được. Lời nói buông ra không thể thu về. Người có trí tuệ biết sử dụng ái ngữ, không nói lời độc ác.
Người có tầng thứ, cấp hạng khác nhau. Sự khác biệt về tố chất và trí tuệ đó là một khoảng trống rất khó lấp đầy. Người có tiền chưa chắc có văn hóa. Người giàu chưa chắc đã là sang. Người có nhân tính, địa phương tính, quốc tính, xã hội tính, cộng đồng tính và cá tính. Nhưng người mà vô cảm thì người đó xem là ở tình trạng chết lâm sàng.
Mình thường thấy người ta thân bại danh liệt vì lời nói của mình. Hiếm ít khi được thấy, sự im lặng của họ, đã làm họ thất bại. Vì thế cổ nhân có dạy bốn điều trong cuộc đời không thể tìm được trở lại, đó là lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống và cơ hội đã bỏ qua.
Tranh: Tìm lại kỷ niệm xưa trong mùa đông lạnh lẽo và cô đơn