“Mỗi thế hệ rất khác nhau, không thể so sánh được”.
Thế hệ của chúng tôi, mọi người sống trong nghèo khó, bây giờ thế hệ trẻ sướng hơn. Sướng hơn mọi mặt. Không chỉ là vật chất, mà là tài liệu học tập, internet, thầy cô giáo được đào tạo bài bản từ các quốc gia phát triển. Nếu nói cái khó khăn của thế hệ trước, thì các bạn trẻ khó mà hình dung ra được.
Tôi cũng trở thành giảng viên trong giai đoạn khốn khó ấy. Thiếu thốn đủ thứ, trong đó có cả tri thức nữa. Mà bạn cũng biết đó, đi dạy người ta, mà thiếu thốn cái này thì chỉ biết bám vào thư viện quốc gia, ở đường Lý Tự Trọng (đối diện tòa án thành phố). Ngày nào cũng vậy, tôi ở đây từ sáng đến tối. Cùng ở đây với tôi là người bạn cùng lớp là Nguyễn An Thắng. Bạn tôi tốt nghiệp đại học kinh tế xong, thì thi y khoa và là bác sĩ Viện tim thành phố.
Bây giờ, tôi quay lại câu hỏi thầy Tâm. Làm một sự nhận xét về một thế hệ là một đề tài không dễ. Những năm tháng mùa hè xanh đầu tiên là “lập lại trật tự giao thông trong thành phố”, chứ không đi đâu xa. Tôi cũng nghe bài hát “mùa hè xanh” của nhạc sĩ Vũ Hoàng, tôi không cảm được.
Cho đến khi tôi đến một ngã tư, các em đang làm nhiệm vụ, lúc ấy là 12 giờ trưa hè nóng oi ả, các em bước xuống lề, nhắc nhở người đi đường: “Cô ơi! Cô đứng đúng vạch! Con cám ơn cô”
Một số người thì cố gắng vượt đèn đỏ. Một số khác thì chửi vào tụi sinh viên: “Ăn cơm nhà, đi vác tù và hàng tổng”, “khùng cũng vừa vừa vậy, trưa ra đây phơi nắng, về nhà báo hại cha mẹ”. Tụi nó vẫn đứng đó. Tôi cũng đứng đó, không phải để giám sát, chỉ nhìn và yêu thương tụi sinh viên từ cái dạo ấy và cho đến bây giờ. Tụi nó đã tiếp nghị lực cho mình trong cuộc sống, nhất là những lúc “mỏi gối chồn chân”. Nhìn các em như những con thiên nga trong cõi người. Tối mấy hôm sau, tôi đã khóc vì cái bài hát “mùa hè xanh” của nhạc sĩ Vũ Hoàng trên truyền hình mà tôi tình cờ nghe được.
Tiếp theo sau, là những tấm gương của các thế hệ sinh viên trẻ nối tiếp, từ việc xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo, tiếp sức mùa thi, giúp đỡ các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn trong lớp (sáng kiến của thầy Bình “đừng có mà giúp đỡ đâu đâu, khi bạn mình gặp khó khăn”). Còn không biết bao câu chuyện khác nữa.
Tôi cũng xin trích ra đây một ví dụ về nghĩa cử của một sinh viên, thì các bạn ắt là mình có tin vào thế hệ trẻ không nhé!
Câu chuyện đặc biệt xảy ra trong ký túc xá của đại học FPT, thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngày hôm nay (23/3), khu ký túc xá này chính thức trở thành nơi cách ly tập trung cho những người từ vùng dịch về hoặc người có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, sinh viên của trường đã đến dọn dẹp, quét phòng sạch sẽ để ký túc xá sẵn sàng đón người cần cách ly. Đáng chú ý là bức thư mà một cậu sinh viên viết cho những người sẽ dùng phòng trong thời gian tới.
“B5.10 xin chào các cô chú ạ.
Cháu xin chào các bác/các cô chú/anh chị. Cháu biết mọi người có thể đã trải qua chuyến bay khá dài và mệt mỏi rồi đúng không ạ?
Lời đầu tiên cháu chúc mọi người có một sức khỏe thật tốt và có khoảng thời gian vui vẻ trong Hola campus (Hòa Lạc) đẹp đẽ này của chúng cháu nhé (Đừng nghĩ là cách ly ạ, vì ở đây thích lắm!).
Cháu cũng không có gì nhiều, còn lại một chút sữa và đồ ăn, cô chú đừng chê nhé.
Cô chú nhớ để ý nhà vệ sinh (bồn cầu) ấy ạ, vì nếu xả mạnh tay quá nước sẽ chảy nhanh và bị kẹt.
Wifi phòng cháu còn thoải mái nhé, tên wifi là C4.10L; mật khẩu là 18081974. Dùng 5-6 người không lo lắng ạ.
Chúng cháu có kê lại giường, mọi người đừng chỉnh lại nhé vì nhà dột đó ạ.
Có thể lúc các cô chú vào, phòng không được sạch sẽ và thơm như ở nhà. Cháu xin lỗi nhé vì từ tết, 5 thằng chúng cháu về quê.
Chúc mọi người sức khỏe. Nếu có gì cần hỏi về wifi thì mail cho cháu ạ.
Các chú ơi đừng niêm phong thùng mì này nhé, các chú bộ đội”, nam sinh viết.
Lá thư được gửi kèm một thùng carton đựng sữa đậu nành, mì tôm và ít giấy ăn.
Trước khi rời đi, chàng trai tốt bụng đã cẩn thận hướng dẫn và dặn dò những người đến cách ly rất tỉ mỉ. Hành động của cậu khiến những người chứng kiến thích thú và xúc động.
Đặc biệt, câu cuối trong lá thư khiến nhiều người bật cười. Có lẽ sợ đồ đạc bị niêm phong, thanh niên nhắn luôn cả “các chú bộ đội” để đảm bảo đồ ăn đến tận tay người cách ly.