Học chữ buông và học chữ ngã.

 Học chữ buông và học chữ ngã.

Hôm nay, mình sẽ nói đến 2 chữ, chữ buông và chữ ngã. Tại sao như vậy? Cái gì nó cũng có cái lý do của nó. Tại vì chữ buông dễ hơn. Mình thì dễ mình mần trước, khó mần sau. Tiếp cận của mình từ câu chuyện đời thường, chứ bắt đầu bằng định nghĩa, thì vừa khó nghe và vừa khó hiểu. Phương pháp tiếp cận vấn đề là phép quy nạp. Cho ví dụ một, cho ví dụ hai và các ví dụ, rồi mới khẳng định. Còn phương pháp truyền thống là nêu khái niệm, rồi diễn giải. Quy trình trình bày hơi ngược, nhưng dễ hiểu.

Câu chuyện số 1: Có một vị hòa thượng dẫn theo một chú tiểu đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một người cô gái trẻ đẹp, khỏa thân tắm bên bờ suối, cô gái trượt chân té và kêu cứu. Không chút đắn đo, vị hòa thượng đã chủ động cõng cô gái khỏa thân đó qua bờ suối và đặt xuống, rồi tiếp tục cùng chú tiểu lên đường. Chứng kiến việc ấy, chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên trong tâm chú khó chịu vì cho rằng thầy mình đã vi phạm giới luật, nhưng lại không dám hỏi vì thấy thầy mình đức cao trọng vọng quá.

Cuối ngày, không kìm được nữa, chú tiểu nói: “ Sư phụ, người phạm giới rồi, sao người có thể cõng một cô gái khỏa thân qua sông?”. Khi vị hòa thượng nghe xong và biết lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười. Thầy nói: “Ta đã nhặt cô ấy lên và đặt cô ấy xuống, mà con vẫn còn cõng cô ta cho đến bây giờ sao?

Câu trả lời của vị hòa thượng giúp chúng ta hiểu rằng: Đôi khi chúng ta mang theo gánh nặng quá khứ với những cảm xúc bực bội, tội lỗi, oán giận; hãy buông bỏ nó xuống thì sẽ nhẹ nhàng hơn.

[Cái chỗ này, các bạn cần chú ý một chút. Nếu bạn đạo thiên chúa, nếu thấy cô gái mà bạn động lòng, thì bạn đã phạm tội hiếp dâm rồi; tương tự như vậy, bạn mà ghét ai, thì phạm tội giết người. Thiên chúa thì hoặc bạn có tội hoặc bạn không có tội. Bạn mà có chết đi, thì ngồi chờ đó, chờ tận thế, chúa sẽ phán tội từng người. Chỉ có đạo phật mới có tội nặng, tội nhẹ, luân hồi và giải thoát].

Câu chuyện số 2: Nghệ sĩ nổi tiếng Kim Cương, ngày xưa có yêu một người, mà người này không đáp lại. Cô đã thất tình và đến gặp thầy Thích Thanh Từ. Thầy nói: “Trời cho con nhiều quá, một nghệ sĩ quá nổi tiếng. Nhưng mà trời không cho con tất cả. Con có mấy cái mà ông trời lấy lại chứ. Con thấy áng mây đẹp, con muốn giữ lại. Đâu có được. Con thấy áng mây u ám, con muốn xua nó đi. Cũng đâu có được. Con phải học chữ buông chứ”. Câu nói của thầy đã hóa giải hết mọi thứ. Cô ấy đã dành cuộc đời cho công việc từ thiện, quên đi mối tình và hiểu được thế gian này sắp xếp mình đến như vậy.

Câu chuyện thứ hai này cho thấy chúng ta có thói quen kẹt vào một thứ gì đó, chẳng hạn như tiền tài, sắc giới, địa vị, nổi tiếng và trăm ngàn cái thú vui khác. Khi không có thì bằng mọi cách làm cho nó có. Khi không có được thì đau khổ. Tất cả sẽ buông bỏ, trở về trạng thái không (zero status) và cái đích cuối cùng của con người là giải thoát. Xin nợ quý độc giả hai chữ cuối, là “trạng thái không” và “giải thoát” ở một bài khác vì khá dài dòng.

Câu chuyện số 3: Tôi đi dạy và có kêu sinh viên giải bài tập. Nó không làm bài tập. Tôi rày nó. Tuần sau, kêu nó lên làm bài tập nữa. Nó nói với tôi: “Em giận thầy rồi, em có làm bài tập, nhưng không lên bảng”. Tôi mới nói với nó: “Thầy rày em xong, bước ra khỏi lớp là thầy quên tức thời. Thầy đã để em giận một tuần. Thầy tạo nghiệp”. Từ đó về sau, tôi ít rày sinh viên hơn và nhất là mấy đứa nhạy cảm, dễ xúc động. Như vậy, qua câu chuyện này, mình học được kinh nghiệm, khi buông bỏ một cái gì đó, thì cũng phát tín hiệu cho người ta biết, chứ không sẽ tạo nghiệp.

Câu chuyện số 4: Một sinh viên vừa ra trường, đến gặp tôi và nói: “Thầy ơi! Em là sinh viên mới ra trường, em nghèo gần chết, bây giờ doanh nghiệp sống dở, chết dở, đâu thuê mướn em. Thầy dạy em chữ buông sao mà xa xỉ quá. Em có cái gì đâu mà buông?”

Tôi đã mượn lời thầy Thích Nhất Hạnh để trả lời cậu bé này: “Có chứ! Em đã học hết đại học. Trong đầu em có quá nhiều mô hình, quy luật, hình mẫu, thành kiến sắp xếp trước. Cái tôi của em lớn, em có nguy cơ tự cho mình biết nhiều. Khi đối diện với vấn đề mới của cuộc sống, thì em phải buông cái tôi, cái bản ngã của mình qua một bên, thì sẽ dễ dàng cho em tiếp thu cái mới, triết lý mới. Mọi vật phải tương tức với nhau. Phải có con mắt vô ngã chứ”

Đứa sinh viên của tôi nói tiếp: “sao thầy nói em là có cái tôi lớn”

Tôi mới nói: “Trong một lời mà em dùng tới 5 chữ em. Em cứ nhìn em là em và thế giới này là thế giới này, không tương tức nhau. Buông chữ ngã em sẽ giỏi hơn”. Có lẽ tới đây thì bạn hơi thấy bối rối và khó hiểu, xin mời bạn đọc tiếp, chút nữa có gì bạn quay lại.

Câu chuyện số 5: Câu chuyện này xảy ra một người đồng nghiệp của tôi và kể cả tôi nữa. Trong một lớp cao học buổi tối và buổi cuối cùng. Trong giờ giải lao, tôi rời lớp, sinh viên tự động đưa USB lên sao chép nhiều thư mục trong máy tính xách tay của tôi. Tôi quay lại lớp và bắt gặp. Bạn nghĩ tôi sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Nếu tôi có cặp mắt chấp ngã thì tôi chết chắc. Tôi sẽ nổi giận lôi đình và tôi sẽ trừng phạt sinh viên.

Nhờ tu luyện nhiều năm trên núi Shitennoji với thiền sư vào những ngày chủ nhật cuối tuần. Tôi hết sức bình tĩnh và nói: “Tôi đã làm việc với các em 9 buổi trên lớp phải không. Chúng ta đã trao đổi với nhau quá nhiều vấn đề. Một phần cái của tôi là của các em và một phần cái của các em là của tôi. Tôi rày em, tức là tôi rày tôi sao. Nhưng mà các em đừng làm như vậy, bởi vì người khác sẽ có cặp mắt chấp ngã đó. Kết quả là như thế nào các em dự đoán được chứ”. Sinh viên của tôi đã xóa cái phần mà nó sao chép và xin sao chép lại. Tôi đã nhìn bằng con mắt vô ngã. Tôi nhìn sự vật tương tức với nhau.

Các độc giả thân mến, để có một cuộc sống vui khỏe, thân tâm an lạc, phải nhìn bằng cặp mắt vô ngã. Hôm nay, năng lượng của tôi cho đến như vậy. Ngày mai tôi sẽ nói tiếp 2 chữ không và giải thoát.

—————————————

Từ điển chấp ngã và vô ngã:

Chấp ngã là từ nhà Phật. Chữ “Ngã”, từ Hán 我 thuộc bộ qua 戈. Qua 戈 có nghĩa là cái mác; dụng cụ của người lính lúc xưa. Ngã 我 gồm chữ qua 戈 bên phải và chữ thiên bên trái 千.

Ta là tất cả, trong ta luôn có nghìn con dao, cái mác. Cái ngã là ghê vậy đó. Chiến tranh thù hận cũng vì cái ngã. Chữ chấp 執 thuộc bộ thổ. Thổ 土 là bất di bất dịch. Chữ chấp bên trái gồm có chữ thổ 土 ở trên, chữ dương 羊 ở dưới. Chữ dương 羊 nghĩa là vẻ đẹp. Bên phải của chữ chấp là chữ hoàn 丸. Chữ hoàn có nghĩa là vo tròn, vo viên lại. Vẻ đẹp đó là bất di bất dịch, không thể bàn cãi nữa, là chấp.

Chấp ngã là bám vào cái ta. Cái gì ta cũng đúng, cái gì ta cũng nhất và cái gì cũng thuộc về ta. Nếu ai làm gì không phải thì ta sửng cồ lên mà cãi. Con dao, các mác trong người ta sẽ xuất hiện. Sân si lắm.

Theo nhà Phật thì không có cái ta, cái ngã riêng biệt mà mọi sự vật đều có mối liên hệ tương tức với nhau. Để có cuộc sống an lạc; tức là cuộc sống vui khỏe thì mọi thứ trên đời phải nhìn bởi con mắt vô ngã.

Người phật tử mà nắm được tuệ giác vô ngã thì không thấy cha với con là hai người riêng biệt, mà hiểu trong cha có con, trong con có cha, con là sự tiếp nối của cha. Nếu cha đau khổ thì con đau khổ, con hạnh phúc thì cha hạnh phúc, thấy được đau khổ của cha là đau khổ của chính mình, hạnh phúc của con là hạnh phúc của chính mình.

Người tu chứng thực được vô ngã thì không gièm pha, chỉ trích những người khác, không cho mình là nhất. Người tu vô ngã, khi có ai đó vô tình giẫm đạp lên chân mình đau điếng thì dù mình có đau đến mấy cũng ráng bỏ suy nghĩ, người đó đạp mình là do họ ghét mình. Mà mình phải suy nghĩ, ờ có thể, ông ta vô ý hoặc cô ta đang vội.

DakLak360

Related post